Tuần dương hạm Dimitrii Donskoi được cho là chở theo nhiều tiền vàng bị hải quân Nhật đánh đắm sau trận hải chiến khốc liệt Tshushima.
- Công ty phát hiện xác tàu chiến chứa kho báu Nga bị cáo buộc gian lận
- Tổng thống Duterte phá hủy 68 xe sang nhập lậu
- Iran nổi xung trước ý định của TT Trump: Đó là 1 sự sỉ nhục, kế hoạch viển vông
- Ngoại trưởng Pompeo nêu 12 điều kiện cho cuộc gặp Mỹ-Iran
ập đoàn săn kho báu Shinil ở Hàn Quốc hôm 15/7 phát hiện xác tàu tuần dương Dimitrii Donskoi của hải quân đế quốc Nga ở vùng biển gần đảo Ulleungdo của Hàn Quốc, theo Telegraph.
Con tàu này được cho là mang theo 5.500 thùng đựng vàng thỏi nặng khoảng 3.200 tấn và 200 tấn tiền xu vàng, với tổng giá trị ước tính lên tới hơn 130 tỷ USD. Bởi vậy, nó trở thành kho báu được săn lùng gắt gao bậc nhất trên thế giới kể từ khi bị đắm sau trận hải chiến Tsushima 113 năm trước. Đây là một trong những trận hải chiến đẫm máu nhất trong lịch sử quân sự thế giới giữa hải quân đế quốc Nga và Nhật Bản, nơi chứng kiến những giờ phút bi thảm cuối cùng của tuần dương hạm Dimitrii Donskoi.
Chiếc tuần dương hạm thiết giáp này được đóng năm 1883 và mang tên Đại Công tước Dimitrii Donskoi của Moskva. Tàu có chiều dài 93 m, lượng giãn nước 6.200 tấn và được biên chế vào Hạm đội Baltic của hải quân đế quốc Nga.
Năm 1904, chiến tranh Nga – Nhật bùng nổ do mâu thuẫn về quyền kiểm soát bán đảo Triều Tiên và khu vực Mãn Châu. Hải quân Nhật vây hãm cảng Lữ Thuận do Nga kiểm soát ở Liêu Đông, Trung Quốc, buộc Hạm đội Baltic phải điều lực lượng hùng hậu đến Thái Bình Dương để giải cứu.
Trong đội hình lực lượng giải cứu này có tuần dương hạm Dimitrii Donskoi, con tàu được cho là chở theo nhiều tiền vàng để thanh toán chi phí cho các chuyến tiếp tế ở cảng nước ngoài cũng như chi trả tiền lương cho các sĩ quan, binh sĩ đồn trú ở Vladivostok. Có nguồn tin cho rằng số tiền, vàng trên các tàu chiến bị đắm trong hạm đội cũng đều được chuyển lên tàu Dimitrii Donskoi.
Đội tàu chiến này đã phải thực hiện hành trình 3.300 km từ Biển Baltic tới Viễn Đông, bởi Anh lúc đó không cho tàu chiến Nga đi qua kênh đào Suez. Nhưng trên đường đi, họ nhận được tin quân cảng Lữ Thuận đã thất thủ, nên quyết định chuyển hướng tới Vladivostok để hội quân với hải đội đồn trú ở đây.
Đêm 26/5/1904, khi tiến đến eo biển Tsushima, hạm đội tàu chiến Nga bị tàu tuần tiễu của Nhật phát hiện. Hải quân Nhật huy động Hạm đội Liên hợp gồm 40 tàu chiến gồm nhiều thiết giáp hạm, tuần dương hạm, khu trục hạm và tàu phóng lôi tham gia tập kích đội hình của Nga. Nhận thấy quân Nhật sắp tấn công, hạm đội Nga chuẩn bị đội hình nghênh chiến.
Tuy nhiên, hạm đội Nhật có ưu thế bất ngờ, tốc độ cao, hỏa lực mạnh và đội thủy thủ được huấn luyện kỹ càng đã giáng đòn nặng nề vào các tàu chiến Nga chậm chạp hơn khi cuộc hải chiến nổ ra vào sáng 27/5. Ngay từ những loạt pháo đầu tiên, quân Nhật đã khiến đô đốc chỉ huy hạm đội Nga bị thương nặng, mất khả năng tác chiến, sự chính xác của các pháo thủ Nhật cũng khiến lính Nga kinh ngạc.
Trong cả ngày và đêm hôm đó, hạm đội Nhật thay phiên nhau quần thảo, trút hỏa lực vào đội tàu chiến Nga. Đến sáng hôm sau, hạm đội Nga quyết định đầu hàng sau khi hứng chịu thiệt hại nặng nề với 8 tàu bị đánh đắm, hơn 4.300 sĩ quan và thủy thủ thiệt mạng, hơn 6.000 người bị bắt sống.
Cuộc chạy trốn tuyệt vọng
Có nhiệm vụ hỗ trợ các tàu vận tải trong hạm đội, tuần dương hạm Dimitrii Donskoi không trực tiếp tham gia giao chiến với quân Nhật mà chủ yếu tiếp nhận thương binh từ các tàu bị địch bắn hỏng. Đến sáng 28/5/1904, khi hạm đội đầu hàng, tàu Dimitrii Donskoi mở hết tốc lực chạy về phía tây bắc với hy vọng về được cảng Vladivostok.
Đây là tàu lớn nhất trong số các chiến hạm sống sót của hạm đội. Những tàu chiến khác tản ra theo nhiều hướng khác nhau trong tình trạng bị hư hại nặng nề và lần lượt bị hải quân Nhật phát hiện, đánh chìm trong hoạt động truy kích.
Chiều hôm đó, tàu Dimitrii Donskoi bị bốn tàu tuần tiễu của Nhật phát hiện khi đang tìm cách len lỏi qua vùng biển đầy chiến hạm địch đang truy kích. Tàu Nhật phát tín hiệu qua điện đàm, thông báo chỉ huy hạm đội Nga đã đầu hàng và yêu cầu tàu Dimitrii Donskoi nộp mình.
Đại tá Ivan Lebedev, chỉ huy tàu Dimitrii Donskoi, phớt lờ mệnh lệnh và cho tàu mở hết tốc lực với vận tốc 17 hải lý/giờ để chạy trốn. Bốn tàu tuần tiễu của Nhật đuổi theo nhưng không thể bắt kịp chiếc tuần dương hạm này.
Đúng lúc này, hai tàu tuần dương cỡ nhỏ của Nhật tình cờ có mặt gần đó và nhanh chóng tham gia truy đuổi. Chúng là những tàu mới đóng, có thể đạt vận tốc 21 hải lý/giờ nên dần thu hẹp khoảng cách với Dimitrii Donskoi. Hai tàu khu trục khác của Nhật cũng tham gia vây bắt chiến hạm Nga.
Bị 4 tàu Nhật bao vây, đại tá Lebedev không có ý định đầu hàng. Ông ra lệnh cho tàu hướng về phía đảo Ulleungdo, đồng thời quyết tâm gây nhiều thiệt hại nhất có thể cho kẻ địch. Đến trưa, tàu chiến Nhật bắt đầu khai hỏa, lửa bùng lên trên tàu Dimitrii Donskoi, nhưng các thủy thủ Nga vẫn không ngừng bắn trả.
Tuần dương hạm Dimitrii Donskoi có lớp giáp rất dày, vô số đạn pháo của Nhật trút lên tàu nhưng chỉ gây hư hỏng nồi hơi và bánh lái, các tấm giáp bảo vệ trên tàu hầu như còn nguyên vẹn.
Con tàu tiếp tục chiến đấu đến hết chiều và đêm 28/5, bắn nhiều loạt đạn pháo vào các tàu Nhật truy kích. Đến sáng 29/5, kiệt sức sau một đêm chiến đấu liên tục, hạm trưởng Lebedev cho tàu tiếp cận đảo Ulleungdo và ra lệnh cho toàn bộ thủy thủ đoàn sơ tán lên đảo, sau đó mở các van thông biển Kingston để đánh đắm tàu.
Vị trí eo biển Tsushima, nơi diễn ra trận hải chiến giữa hải quân Nga và Nhật năm 1904. Đồ họa: Wiki. |
Đội tàu Nhật sau đó tiếp cận, bắt toàn bộ thủy thủ đoàn tàu Dimitrii Donskoi làm tù binh và đánh dấu vị trí tàu chìm trên bản đồ, kết thúc số phận bi thảm của toàn bộ hạm đội Nga trên eo biển Tsushima. Thất bại nặng nề của hạm đội Nga trong trận hải chiến này cũng góp phần định đoạt kết cục cuộc chiến tranh với Nhật.
113 năm sau, các tàu ngầm không người lái của tập đoàn Shinil chụp được những hình ảnh cho thấy tàu Dimitrii Donskoi hầu như còn nguyên vẹn ở vị trí cách đảo Ulleungdo khoảng 1,6 km, với các ụ pháo phủ đầy hà sau hơn một thế kỷ nằm im dưới đáy biển. Shinil cho hay họ phát hiện nhiều thùng lớn bên trong tàu, nhưng chưa mở ra để xem bên trong có vàng hay không. Tập đoàn này dự kiến trục vớt con tàu trong 3-4 tháng tới.
Đây có thể là kết quả ngoài mong đợi của Shinil sau nhiều năm săn lùng kho báu trên tàu Dimitrii Donskoi. Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về kho báu trên tàu, khi cho rằng Nga thời đó không đưa vàng đến Vladivostok bằng tàu biển, mà thường chuyển bằng tàu hỏa.
Nhiều người cho rằng tàu Donskoi được trang bị tới 12 khẩu pháo, chở 500 thủy thủ và 1.600 tấn than nên sẽ không đủ sức mang thêm hàng nghìn tấn vàng như vậy. Nếu tàu có chở vàng, giá trị của kho báu cũng khó có thể lên tới hơn 130 tỷ USD như Shinil ước tính, khi tổng dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc chỉ vào khoảng 4,8 tỷ USD.
Theo VNE