Tàu khu trục lớp Maya được trang bị nhiều công nghệ hiện đại, có thể giúp Nhật duy trì khả năng ứng phó với các mối đe dọa xung quanh.
- Đánh bom tự sát nhằm vào binh sĩ Philippines, 11 người thiệt mạng
- Uy lực công, thủ toàn diện của tàu hộ vệ tàng hình mới gia nhập hải quân Nga
- Mỹ chuẩn bị dự luật trừng phạt mới nhằm vào Nga
- Chủ tịch Hạ viện Mỹ kêu gọi xem xét trừng phạt mới nhằm vào Nga
Nhà máy đóng tàu Japan Marine United của Nhật Bản hôm 30/7 làm lễ hạ thủy chiến hạm JS Maya (DDG-179), chiếc đầu tiên thuộc dự án tàu khu trục đa năng Maya. Hai tàu thuộc lớp Maya được coi là giải pháp để Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) đối phó hiệu quả với mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên và duy trì ưu thế răn đe trước Trung Quốc, theo Stars and Stripes.
Tàu khu trục JS Maya dài 170 m, có lượng giãn nước 8.200 tấn và tổng giá trị khoảng 1,5 tỷ USD, dự kiến được lắp đầy đủ vũ khí và bàn giao cho JMSDF vào tháng 3/2020. Đây sẽ là tàu chiến hiện đại nhất trong biên chế Nhật Bản, được trang bị phiên bản mới nhất của hệ thống lá chắn Aegis.
Vũ khí chủ lực của JS Maya sẽ là các quả đạn phòng không tầm xa SM-3 Block IIA với tầm bắn tới 2.500 km, có khả năng đánh chặn những mục tiêu có tốc độ cao như tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-12 và xuyên lục địa Hwasong-14 được Triều Tiên thử nghiệm hồi năm ngoái.
Nhật quyết định chế tạo hai tàu khu trục lớp Maya để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. “Trong quá khứ, JMSDF chỉ triển khai tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis để giám sát hành trình của tên lửa Triều Tiên sau khi phát hiện dấu hiệu về một vụ phóng thử sắp diễn ra. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã liên tục phóng tên lửa đạn đạo mà không có dấu hiệu báo trước, buộc Tokyo phải bố trí hai tàu khu trục liên tục cảnh giới”, phó đô đốc Toshiyuki Ito, một cựu chỉ huy của JMSDF, tiết lộ.
JMSDF đang gặp nhiều khó khăn khi vừa phải duy trì lá chắn Aegis đối phó Triều Tiên, vừa tham gia các hoạt động tập trận và tuần tra răn đe tàu Trung Quốc tại nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Việc bổ sung thêm khu trục hạm lớp Maya sẽ giúp Tokyo lấp chỗ trống của những tàu chiến phải đưa vào cảng bảo dưỡng định kỳ, quá trình có thể kéo dài tới nhiều tháng.
Ngoài việc đóng mới hai tàu lớp Maya, Nhật Bản cũng đang nâng cấp hệ thống Aegis trên hai khu trục hạm lớp Atago. Tới năm 2021, nước này sẽ sở hữu 8 tàu chiến trang bị lá chắn Aegis, trong đó 4 chiếc có thể sử dụng tên lửa SM-3 Block IIA.
Phó đô đốc Ito nhận định sự xuất hiện của JS Maya cũng giúp Tokyo đạt mục đích quan trọng nhưng ít được công khai, đó là tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật. Hai tàu thuộc lớp Maya sẽ được trang bị Hệ thống Chiến đấu Hiệp đồng (CEC), mạng lưới tác chiến thời gian thực cho phép chiến hạm Nhật Bản chia sẻ dữ liệu radar cảnh giới và điều khiển hỏa lực với hải quân Mỹ.
Khu trục hạm lớp Maya cũng có thể trang bị tên lửa phòng không SM-6, nổi bật nhờ khả năng đánh chặn nhiều loại tên lửa hành trình có uy lực lớn của Trung Quốc. Phó đô đốc Ito cho rằng đây là cơ hội để Mỹ và Nhật Bản cải thiện sức mạnh răn đe Trung Quốc.
Mặt trước của tàu khu trục JS Maya. Ảnh: Japan Times. |
Global Times, ấn phẩm phụ của People’s Daily – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc – đã chỉ trích việc Nhật Bản phát triển tàu khu trục lớp Maya, cho rằng chúng “nhằm vào Trung Quốc và đe dọa nhiều quốc gia khác”.
“Khi được bảo đảm an toàn tuyệt đối, Mỹ và Nhật có thể không ngần ngại tấn công những nước khác. Điều này chắc chắn sẽ gây bất ổn tới nhiều khu vực”, chuyên gia Zhang Junshe thuộc Viện nghiên cứu hải quân thuộc quân đội Trung Quốc tuyên bố.
Theo VNE