Uống Whisky có nồng độ cồn cao (High Proof) hoặc độ cồn nguyên gốc (Cask Strength, Straight from Barrel) là độ cồn của rượu khi thùng rượu được mở ra, chúng ta cần biết mấy điểm sau:
– Whisky độ cồn cao hoặc nguyên gốc sẽ cho chúng ta nhận biết được hương vị nguyên gốc của dòng Whisky đó, từ đó, chúng ta cảm nhận sâu hơn về dòng rượu mà mình thưởng thức;
– Độ cồn càng cao, rượu càng cho cảm giác đầy đặn, sánh quyện, body sẽ tốt hơn, cấu trúc chắc chắn hơn, tròn đầy hơn so với Whisky 40-43% ABV. Hậu vị rượu vì thế cũng sẽ tốt hơn, dài lâu hơn so với Whisky 40-43% ABV của chính dòng rượu đó. Chẳng phải ngẫu nhiên mà UK đã ban hành đạo luật về Whisky và Pháp đã ban hành đạo luật về Cognac quy định độ cồn tối thiểu của Whisky, Cognac bán ra thị trường phải là 40 độ (40% ABV), hay 80 Proof Mỹ, 70.1 Proof UK;
– Vì có độ cồn cao, nên khi thưởng thức, chúng ta phải uống ngụm nhỏ hơn so với rượu 40 hoặc 43% ABV. Một ngụm, ngụm rất nhỏ thôi, sẽ giúp chúng ta thưởng thức tốt nhất hương, vị và cốt rượu. Ngụm lớn sẽ làm cho chúng ta thấy nóng rát khoang miệng, bỏng cháy cổ họng… và vì thế xu hướng là sẽ nuốt nhanh hơn, và làm ngay một ngụm nước lạnh để chữa cháy. Như thế là hỏng và thật lãng phí. Uống ngụm nhỏ sẽ giúp chúng ta giữ lại được ngụm rượu (Whisky Sip) trong khoang miệng mà không thấy có thể gây hại cho lưỡi và khoang miệng. Vâng, cần phải giữ lại ít nhất 5 giây, dùng lưỡi để đưa rượu lên xuống, sang phải, sang trái trong khoang miệng rồi mới từ từ uống ngụm rượu đó. Hương vị rượu High Proof sẽ lan tỏa mạnh và giúp bạn cảm nhận được rất nhiều mùi hương và vị rượu ẩn trong lòng nó;
– Thưởng thức rượu High Proof, Cask Strength, ví dụ như chai Aberlour A’bunadh hoặc Glenfarclas 105 và rất nhiều dòng khác, chúng ta nhất thiết phải có ly Tulip Shaped Glass, chứ không nên dùng ly Whisky truyền thống là ly rock hoặc cốc Tumbler. Lý do nằm ở chỗ: cốc Tumbler có đáy rộng, nên bề mặt whisky lớn, rượu sẽ tỏa hương và bốc cồn mạnh. Hương và cồn tỏa mạnh và nhanh, lại gặp thành cốc thẳng đứng, vì vậy, khi đưa lên mũi ngửi, ta sẽ ngay lập tức cảm nhận thấy cồn và mùi cồn này sẽ lấn át mất các hương thơm hấp dẫn ẩn trong rượu. Ngược lại, ly Tulip có đáy ly mở rộng hơn miệng, nhưng mở rộng vừa đủ, vâng, bề mặt rượu vừa đủ rộng để rượu tỏa hương, nhưng không quá rộng để hương và cồn bốc lên mạnh. Khi tỏa lên, gặp thành ly cong vào trong hoặc khum lại, hương thơm và cồn sẽ bị giữ lại (trap) bên trong và hương từ từ lan tỏa. Do vậy, chúng ta sẽ chỉ ngửi thấy hương thơm của rượu mà không thấy mùi cồn bốc lên. Cùng 1 lượng rượu như nhau, cùng 1 dòng rượu, cùng 1 khung cảnh thưởng thức, 1 địa điểm, nhưng với các loại ly khác nhau, người viết và một số anh em BSC đã cảm nhận thấy sự khác biệt rất rõ rệt về cả hương lẫn vị của dòng rượu đó, và ly tulip là ly cho hương và vị tốt nhất;
– Thưởng thức rượu High Proof và Cask Strength, chúng ta nên để trên bàn 2 ly nước, một ly nước lạnh có đá và một ly nước lọc bình thường, không nóng, không lạnh. Ly nước đá để chúng ta uống một ngụm làm thanh sạch khoang miệng trước mỗi lần thưởng thức 1 sip rượu. Tuyệt nhiên, chúng ta không nên uống nước, kể cả nước bình thường hay nước đá ngay sau khi vừa thưởng thức 1 ngụm rượu, vì như vậy, chúng ta sẽ không cảm nhận được hậu vị rượu. Còn ly nước lọc thì dùng để pha thêm 1 vài giọt vào rượu như cách uống đã nêu ở trên. Với ly nước này, xin lưu ý là chúng ta không được dùng nước khoáng, hoặc nước có thêm khoáng chất, nước có ga kiểu như nước Quang Hanh hoặc Kim Bôi hay kể cả là la Vie, mà hãy dùng nước tinh khiết hoặc nước lọc thông thường. Nếu có nước cất (Still Water) là tốt nhất, còn nếu không, ta có thể dùng nước từ vòi (với những ai đang ở nước ngoài, những nước mà chúng ta có thể uống nước trực tiếp từ vòi nước, hoặc nước từ vòi của bộ lọc nước lắp trong các gia đình Việt), hoặc cũng có thể dùng nước đun sôi để nguội. Tại UK và nhiều nước khác, chúng ta có thể dễ dàng mua được nước cất (Still Water) đóng chai, được sử dụng cho những mực đích như thế này, cũng như nhiều việc khác.
– Về đồ ăn ghép chung với rượu có nồng độ cồn cao (High Proof hoặc Cask Strength – HPr, CS), tốt nhất là chúng ta để dùng sau bữa ăn (After Dinner, After Meal) dùng với hoa quả, các loại hạt và bánh trái. Do chai A’bunadh là rượu được ủ 100% thời gian trong thùng ex-Sherry nên rượu có cốt ngọt ngào, sâu, đậm đà. Vì thế, chúng ta nên tránh dùng với các loại hoa quả hoặc bánh trái giàu vị chua như cam, quýt, táo, xoài, kem chua. Như thế, hai vị sẽ phá nhau. Tốt nhất, chúng ta nên ghép với các loại trái cây, mứt quả (mứt hoặc trái sấy) hoặc bánh ngọt, bánh nướng có vị ngọt vừa phải. Người viết đã có lần dùng A’bunadh với một loại bánh nướng có dừa, lần khác là dùng với bánh bơ nướng có hạnh nhân lát mỏng, đều thấy rất hợp và cảm nhận sự ngon miệng của cả hai loại – rượu và bánh – đều tốt hẳn lên. Trường hợp muốn dùng với bữa chính, các loại rượu HPr, CS ủ thùng Sherry có thể ghép khá tốt với các món thịt đỏ như thịt bò, thịt lơn, và là các món được chế biến giàu hương vị.
ST