Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III gặp sự cố khi bắn thử nghiệm, buộc không quân Mỹ ra lệnh phá hủy quả đạn.
- Quy trình khai hỏa tên lửa hạt nhân Minuteman III của Mỹ
- Putin thành lập tổng cục giáo dục lòng yêu nước cho binh sĩ quân đội
- Trận đánh cuối cùng của chiến hạm Nga bị nghi chở kho báu 130 tỷ USD
- Công ty phát hiện xác tàu chiến chứa kho báu Nga bị cáo buộc gian lận
Không quân Mỹ kích nổ quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman III trên Thái Bình Dương lúc 4h42 ngày 31/7 (18h42 giờ Hà Nội), sau khi nó gặp “vấn đề bất thường” trong một cuộc thử nghiệm. Quan chức quốc phòng Mỹ cho biết tên lửa không mang đầu đạn và Lầu Năm Góc đã thành lập nhóm phân tích để xác định nguyên nhân sự cố, AFP đưa tin.
“Vấn đề bất thường có thể xuất hiện do nhiều yếu tố như bản thân tên lửa hay trang thiết bị thử nghiệm, đòi hỏi quá trình phân tích cẩn thận để tìm ra nguyên nhân chính xác”, Bộ chỉ huy Tấn công Toàn cầu (GSC) của không quân Mỹ ra thông cáo cho biết.
Không quân Mỹ thường phóng thử các quả Minuteman III từ căn cứ Vandenberg nhằm vào mục tiêu giả định ở giữa Thái Bình Dương, nhằm đánh giá khả năng sẵn sàng chiến đấu, sự hiệu quả và độ chính xác của loại ICBM này. Mỗi cuộc thử nghiệm được lên kế hoạch từ trước nhiều năm, lần gần đây nhất diễn ra hôm 14/5.
LGM-30G Minuteman III là mẫu ICBM mặt đất duy nhất còn trong biên chế của Mỹ. Nước này sở hữu 450 tên lửa đặt trong các hầm phóng rải rác tại ba bang Wyoming, Bắc Dakota và Montana. Minuteman III là một phần trong “bộ ba răn đe hạt nhân” của Mỹ, bên cạnh tên lửa Trident III trên tàu ngầm lớp Ohio, cùng các vũ khí hạt nhân trang bị cho máy bay B-2 và B-52.
Tên lửa Minuteman III có tầm bắn 13.000 km, tốc độ pha cuối 28.700 km/h, độ cao bay tối đa 1.120 km. Mỗi tên lửa mang được một đầu đạn W87 với sức công phá tối đa tương đương 475.000 tấn thuốc nổ TNT.
Không quân Mỹ dự kiến thay thế các tổ hợp Minuteman III bằng Hệ thống Răn đe Chiến lược Mặt đất (GBSD) kể từ năm 2030.