Tư lệnh không quân Israel xác nhận nước này đã triển khai tiêm kích F-35 đến Syria thực hiện nhiệm vụ thực chiến đầu tiên trên thế giới.
- Mẫu khu trục hạm tỷ đô Nhật dùng để đối phó Trung, Triều
- Đánh bom tự sát nhằm vào binh sĩ Philippines, 11 người thiệt mạng
- Uy lực công, thủ toàn diện của tàu hộ vệ tàng hình mới gia nhập hải quân Nga
- Mỹ chuẩn bị dự luật trừng phạt mới nhằm vào Nga
“Các tiêm kích F-35I đã đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu và tham gia nhiệm vụ tác chiến. Chúng tôi là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa máy bay F-35 vào thực chiến”, Hareetz dẫn lời tư lệnh không quân Israel Amikam Norkin hôm nay tuyên bố.
Trong cuộc gặp các chỉ huy không quân nước ngoài, tướng Norkin cho biết tiêm kích tàng hình F-35I không tham gia nhiệm vụ không kích Syria hôm 8/5, nhưng đã tham chiến tại quốc gia này trong hai đợt tấn công trước đó. Ông không tiết lộ nhiệm vụ của F-35 trong các cuộc không kích này, cũng như mục tiêu mà chúng nhắm vào.
Cuộc không kích hôm 8/5 được phát động sau khi lực lượng Iran tại Syria phóng 32 quả rocket nhằm vào Israel. Tướng Norkin tiết lộ 4 quả rocket đã bị phòng không Israel đánh chặn, số còn lại rơi ngoài lãnh thổ nước này.
Khi không quân Israel thực hiện vụ không kích, phòng không Syria đã phóng lên khoảng 100 tên lửa nhằm vào các tiêm kích nước này, nhưng các máy bay đều trở về căn cứ an toàn.
Quân đội Israel gần đây tiến hành nhiều cuộc không kích vào sâu trong lãnh thổ Syria, với lý do bảo vệ an ninh quốc gia và ngăn chặn việc Iran cùng Hezbollah thiết lập các căn cứ quân sự ở quốc gia này. Tel Aviv cáo buộc Iran lợi dụng các căn cứ ở Syria để thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát.
Israel đặt mua 25 tiêm kích F-35 của Mỹ từ tháng 9/2008 với mức giá 200 triệu USD/chiếc. Tới tháng 10/2014, Israel đồng ý tăng gấp đôi đơn hàng F-35 lên 50 chiếc với mức giá giảm chỉ còn một nửa.
Khác với các quốc gia đặt mua F-35, Israel yêu cầu được tích hợp nhiều công nghệ nội địa vào siêu tiêm kích này. Tel Aviv khẳng định họ liên tục ở trong tình trạng xung đột quân sự, đòi hỏi phi đội F-35 phải có nhiều điểm vượt trội về công nghệ và khả năng hậu cần.
Nhà sản xuất Lockheed Martin chấp nhận yêu cầu, cho ra đời phiên bản riêng cho Israel với tên gọi F-35I “Adir” (Người vĩ đại) dựa trên biến thể F-35A cho không quân Mỹ. Israel trở thành quốc gia duy nhất ngoài Mỹ được quyền can thiệp và chỉnh sửa các hệ thống trên máy bay F-35.
Theo VNE