Nhà cổ Tích Thiện Đường
Làng Phong Nam chiếm một phần lớn địa phận xã Hòa Châu, gồm các thôn Nam Thạnh, Tây An, Đông Hòa, Bàu Cầu. Trước kia, Phong Nam chỉ là một phần phía nam của làng Phong Lệ rộng lớn và nổi tiếng với một bề dày lịch sử lâu đời. Đó là một vùng đất được khai thác sớm từ thời Chàm. Thời Trần, Lê, Phong Lệ từng là đất huyện lỵ của Điện Bàn. Có nhiều hiện vật Chàm đã được tìm thấy ở địa phận làng Phong Lệ nay vẫn còn được trưng bày ở bảo tàng điêu khắc Chăm – Đà Nẵng.
Giá trị hấp dẫn của làng Phong Nam là các công trình kiến trúc cổ như đình, chùa, miếu, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ các tộc họ… Ngày xưa, Phong Nam còn nổi tiếng với Lễ hội Mục Đồng, một lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, lễ hội tôn vinh nghề nông và cũng là để cầu cho những vụ mùa sắp đến sẽ bội thu. Ở đây còn nhiều giai thoại về tên đất, tên làng, về tài năng của Ông Ích Khiêm, về những cuộc viếng thăm của Cao Bá Quát và cả câu đối của cụ Phan Bội Châu tặng cho làng…
Đến làng Phong Nam, du khách sẽ được tận hưởng cái cảm giác yên bình, tận hưởng mùi hương lúa chín thơm ngát trong làn gió mát, hay tiếng sóng vỗ rì rào ở bến sông của những ngôi làng trữ tình ven sông.
Làng cổ Tuý Loan
Trong làng, ngoài đình và cổng làng vẫn giữ được nét cổ xưa của mình mà những ngôi nhà cổ nhiều tuổi nằm bình yên như chẳng hề vướng bận những thay đổi của thời gian. Những cái kèo cái cột kiên vững dù thời gian đi qua bào mòn, chẳng làm nó cũ kỹ đi mà còn trở nên đẹp hơn. Những con đường nơi đây vẫn giữ được dáng dấp của đường làng thuở trước, hai bên là những cánh đồng lúa bạt ngàn xanh mướt màu mạ non tươi tốt, đến mùa lại trĩu hạt vàng như mang nặng bao tâm tư tình cảm của người nhà nông cần mẫn.
Tiếp theo chúng ta cùng đến Chợ Tuý Loan, nơi đây như là một trung tâm quy tụ hầu hết sản vật quanh vùng: cá mắm từ Hội An, Đà Nẵng lên, lâm sản từ miền Tây xuống, chiếu, nón, nong rổ Cẩm Nê về… Nghề làm bánh tráng và mì Quảng ở Tuý Loan nổi tiếng từ xa xưa.
Lễ hội đình làng Túy Loan diễn ra vào đầu xuân với nghi thức rước sắc phong và các nghi lễ: nghinh sắc, tuyên sắc, dâng hương, dâng lễ vật… nhằm tưởng nhớ công đức các vị tiền hiền các tộc: Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê. Du khách sẽ được tham dự cuộc đua ghe thuyền đặc sắc của trai làng rồi tham gia những trò chơi dân gian như thi cờ tướng, cờ người, nghe hát bài chòi… Lễ hội là dịp những du khách Việt Nam có thể tìm lại những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ thông qua những trò chơi dân gian, những bài hò không quá cầu kỳ nhưng lại vô cùng đặc sắc, đối với du khách nước ngoài là dịp bạn có thể tìm hiểu thêm về cội nguồn văn hóa Việt Nam.
Du khách đến Đà Nẵng hãy ghé lại Tuý Loan, dạo một vòng quanh làng và chợ họp ven sông, thưởng thức hương vị mì Quảng và bánh tráng, chiêm ngưỡng đình làng và không gian làng cổ. Nếu có dịp dự hội làng quý khách sẽ rất thú vị và có ấn tượng khó quên về một làng cổ, một đình làng với cảnh sắc thiên nhiên mộc mạc, con người ân tình và nồng hậu, đậm đà bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam rất đáng tự hào và trân trọng./.