Cán bộ Sở Giáo dục sửa cả bài trắc nghiệm và tự luận, tuy nhiên số lượng thí sinh được sửa điểm, cách thức thế nào chưa được làm rõ.
- Điểm thi của thí sinh Sơn La có dấu hiệu bị can thiệp
- Tỷ lệ điểm giỏi môn Toán của Sơn La vượt xa TP HCM
- Sự cố Hà Giang có thể lặp lại nếu duy trì kỳ thi THPT quốc gia
- Phó phòng Sở Giáo dục Hà Giang nâng điểm cho 114 thí sinh
- Thí sinh Hà Giang bức xúc khi nhiều bạn điểm cao bất thường
Sau 40 phút trì hoãn, có lúc định hủy công bố kết quả xác minh dấu hiệu bất thường trong điểm thi THPT quốc gia ở Sơn La, 11h40 ngày 23/7, lãnh đạo tỉnh cùng tổ công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an đã tổ chức thông tin về sự việc.
Cuộc họp diễn ra tại trụ sở Sở Giáo dục Sơn La (106 đường Thanh Niên, TP Sơn La) với sự tham dự của hơn 20 cơ quan báo chí. Chủ trì là ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch tỉnh và ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục).
6 sai phạm lớn trong tổ chức thi THPT quốc gia ở Sơn La
Cục trưởng Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh đọc báo cáo dài gần 3 trang A4, trong đó chỉ ra 6 sai phạm lớn của Hội đồng thi Sở Giáo dục Sơn La, tập trung ở khâu quản lý bài thi, chấm thi.
Cụ thể, Hội đồng thi sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi. Hiện chưa biết file này đem đi đâu và ai cho phép.
Thứ hai, Hội đồng thi Sơn La tổ chức quản lý khu vực chấm thi trắc nghiệm lỏng lẻo; phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không có niêm phong; khóa phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi, các thùng đựng Phiếu trả lời trắc nghiệm niêm phong không đúng quy định.
Thứ ba, quy trình chấm thi trắc nghiệm không đúng quy định. Thứ tư, máy tính dùng chấm thi không được niêm phong. Thời điểm kiểm tra, máy tính này được sử dụng bình thường tại phòng làm việc của chuyên viên Phòng khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục Sơn La.
Thứ năm, một số phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh có dấu hiệu bị sửa chữa. Sai phạm cuối cùng là việc bàn giao bài thi giữa các điểm thi với Hội đồng thi, bảo quản bài thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi, bàn giao bài thi giữa Ban thư ký với Ban làm phách không đảm bảo quy định.
12 bài Ngữ văn được nâng từ 1 đến 4,5 điểm
Cục trưởng Mai Văn Trinh thông tin, với môn Ngữ văn tự luận, qua đối chiếu điểm trên bài thi của tất cả thí sinh với biểu kết quả chấm thi được in ra từ phần mềm hỗ trợ chấm (điểm đã nhập vào máy), tổ công tác thấy 17 bài chênh lệch từ 0,25 đến 2 điểm. Sự việc được báo cáo lên Bộ trưởng và ngày 20/7, Bộ quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định bài thi.
Hội đồng đã chấm lại 110 bài môn Ngữ văn nghi vấn có dấu hiệu bất thường. Kết quả, 12 bài có điểm thấp hơn so với chấm lần đầu từ 1 điểm trở lên; trong đó một bài thấp hơn 4,5 điểm so với chấm lần đầu.
Với 8 môn trắc nghiệm, Cục trưởng Mai Văn Trinh thông tin, Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La đã chủ trì phối hợp với tổ công tác, bước đầu thấy có dấu hiệu sửa bài thi của một số thí sinh (sửa Phiếu trả lời trắc nghiệm). Tuy nhiên, ảnh bài thi trắc nghiệm đã bị tẩy xóa và ảnh bài thi trắc nghiệm để xuất ra dữ liệu gửi về Bộ Giáo dục để chấm bài là hoàn toàn giống nhau.
Điều này có nghĩa, dữ liệu gửi về Bộ Giáo dục đã được chỉnh sửa, trong khi theo quy định phải là trạng thái ban đầu bài làm của thí sinh, chưa sửa lỗi (đĩa CD1).
Cục trưởng Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh. Ảnh: Dương Tâm |
Từ thực tế trên, tổ công tác đề xuất phương án xử lý kết quả thi tại Hội đồng thi Sơn La như sau. Với môn Ngữ văn, Hội đồng chấm thẩm định quyết định sử dụng kết quả chấm của 110 bài thi để thay thế cho điểm công bố ngày 11/7. Kết quả mới này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018. Hội đồng thi Sơn La phải thông báo kết quả chấm thẩm định cho thí sinh.
Với các bài thi trắc nghiệm, Hội đồng chấm thẩm định quyết định, tạm thời vẫn công nhận kết quả thi môn trắc nghiệm của thí sinh được công bố ngày 11/7. Kết quả này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học. Cơ quan chức năng tiếp tục điều tra để xác định dấu hiệu sai phạm sửa bài thi trắc nghiệm của một số thí sinh.
“Khi có kết quả điều tra, việc xử lý điểm thi của thí sinh sẽ thực hiện theo quy chế. Điểm thi mới sẽ là điểm chính thức của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018”, ông Trinh thông tin.
5 cá nhân liên quan đến sai phạm
Theo Cục trưởng Mai Văn Trinh, qua xác minh ban đầu cho thấy những người liên quan đến sai phạm là ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở Giáo dục Sơn La, Phó chủ tịch Hội đồng thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm; bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm; bà Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm.
Hai người còn lại là bà Đặng Hữu Thủy, Phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu, ủy viên Tổ chấm trắc nghiệm và ông Lò Văn Huynh, Phó trưởng phòng Khảo thí, Ủy viên Hội đồng thi.
Tuy nhiên, sai phạm cụ thể của từng cá nhân, cách thức sửa điểm… chưa được làm rõ.
Chưa xác định chính xác số thí sinh được nâng điểm
Ông Mai Văn Trinh cho biết, hiện tổ công tác chưa thể đưa ra con số chính xác bao nhiêu bài trắc nghiệm được sửa điểm và sửa như thế nào. Vì quy trình chấm trắc nghiệm là file ảnh quét lưu lại gửi về Bộ Giáo dục để chấm hiện phù hợp với phiếu trả lời trắc nghiệm. Với kiểu gian lận sửa file trước khi báo cáo, Bộ đã không chấm thẩm định bài trắc nghiệm.
Hơn nữa, số lượng phiếu trả lời trắc nghiệm là rất lớn nên chưa đủ thời gian và nhân lực để kiểm đếm hết. “Chúng tôi chỉ làm trước hết với những trường hợp có nghi vấn bất thường, bằng các biện pháp kỹ thuật thì phát hiện dấu hiệu tẩy xóa. Đây đã là sự cố gắng rồi”, ông nói.
Cục trưởng Trinh chia sẻ, thời gian làm việc của tổ công tác ở Sơn La dài hơn ở Hà Giang, tức là tính công việc không đơn giản, vi phạm ở đây là nghiêm trọng. Những dấu hiệu vi phạm ở Sơn La vượt quá khả năng, nhiệm vụ của tổ công tác, do đó cơ quan công an phải chủ trì điều tra.
“Hiện việc xác minh sai phạm ở Sơn La chưa kết thúc. Bộ Công an và công an địa phương vẫn tích cực điều tra, trên tinh thần làm kiên quyết, không có vùng cấm”, ông Trinh nói.
Phó chủ tịch Sơn La: “Không bao che hành vi sai phạm”
Lắng nghe đầy đủ kết luận của đoàn thanh tra, ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch Sơn La, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia của tỉnh, khẳng định với sự việc lần này, quan điểm của tỉnh là cầu thị, minh bạch và tôn trọng kết quả của tổ công tác.
“Không ai vui gì khi sự việc xảy ra. Chúng ta đều suy nghĩ, trăn trở và buồn cho đồng đội, công chức của mình khi ở đâu đó đạo đức công vụ chưa được đảm bảo. Quan điểm xử lý của tỉnh là không có vùng cấm, không bao che. Trách nhiệm thuộc về ai, từ UBND tỉnh, từ cá nhân tôi, chỗ nào sai chúng tôi sẽ nhận lỗi và sửa chữa”, ông nói.
Nhắc lại lãnh đạo tỉnh Sơn La rất quyết liệt và không có bất cứ trường hợp ngoại lệ khi xử lý sai phạm, ông Thủy nói: “Sự việc lần này là bài học kinh nghiệm cho chúng tôi để làm tốt hơn kỳ thi THPT quốc gia những năm sau”.
Không vì sai phạm của Hà Giang, Sơn La mà chùn bước đổi mới
Chia sẻ sau cuộc họp, ông Mai Văn Trinh nói: “Thật sự tôi rất buồn (nghẹn lời, lấy tay lau nước mắt). Cá nhân tôi đã trải qua 5 đêm không ngủ, 2 đêm chập chờn, để hôm nay có thể gặp gỡ báo chí và thông tin kết quả bước đầu”.
Theo ông Trinh, kỳ thi THPT quốc gia được Thủ tướng quan tâm, các bộ ngành vào cuộc. Hình ảnh những sinh viên tình nguyện, chiến sĩ công an, bộ đội huy động phương tiện đặc chủng đưa thí sinh đến điểm thi; những ông bố, bà mẹ ngóng chờ con ngoài trường, chính là động lực thúc đẩy Bộ Giáo dục và các địa phương làm tốt kỳ thi này.
Bộ không dung túng sai phạm, nhưng theo ông Trinh, quan trọng nhất là tìm ra sai phạm và xử lý, mang lại công bằng cho thí sinh. Bộ Giáo dục cũng rút ra những bài học kinh nghiệm về tổ chức, quản lý thi sau sự việc ở Hà Giang, Sơn La… Bộ sẽ có những cải tiến về mặt kỹ thuật để tổ chức tốt hơn kỳ thi THPT quốc gia trong những năm tới và cả kỳ thi khác.
“Sự việc ở Sơn La là rất bất thường. Sai phạm này là xấu xí, ảnh hưởng đến kỳ thi mà chúng ta đã rất dày công tổ chức. Nhưng dù có những xấu xí đó, chúng ta vẫn phải ghi nhận các kết quả, thành công đã đạt được của kỳ thi THPT quốc gia 2018”, ông Trinh nói.
Cục trưởng Trinh nói thêm: “Ông cha ta đã nói bàn tay có ngón dài ngón ngắn, chúng ta phải đánh giá sự việc này trên quan điểm công bằng, khoa học. Sai phạm của Hà Giang, Sơn La không thể là đại diện của 63 tỉnh thành và không thể vì sai phạm ấy chúng ta chùn bước trên con đường đổi mới. Trách nhiệm của nhà quản lý như tôi là chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sai phạm để tham mưu và trực tiếp điều chỉnh quy định trong những kỳ thi tiếp theo”, ông nói.
Dấu hiệu bất thường trong điểm thi ở Sơn La
Tỉnh miền núi Sơn La có hơn 10.300 thí sinh thi THPT quốc gia, điểm trung bình tất cả môn thi là 4,21, thấp nhất cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ thí đạt điểm từ 9 trở lên ở môn Toán, Vật lý của tỉnh vượt xa một số địa phương có truyền thống học tốt. Trong danh sách 11 thí sinh có điểm các môn cao nhất cả nước, Sơn La có một nữ sinh được hai điểm 10 môn Lịch sử và tiếng Anh.
Trước những dấu hiệu bất thường trên, chiều 18/7 Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ quyết định thành lập tổ công tác trực tiếp đến Sơn La xác minh. Ngày 21/7, Cục trưởng Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh thông tin: “Có một số sai phạm quy chế thi, đặc biệt ở khâu chấm thi. Trong đó, có dấu hiệu can thiệp làm thay đổi kết quả thi của thí sinh”.
Đại diện Bộ Giáo dục cho biết, Bộ Công an và Công an tỉnh Sơn La đã chủ trì điều tra những sai phạm ở địa phương này. Đoàn công tác của Bộ chấm thẩm định một số bài thi Ngữ văn.