Sai lầm về chiến thuật và chỉ huy từng gây ra nhiều thiệt hại khủng khiếp, khiến nhiều binh sĩ thiệt mạng trong Thế chiến I.
- Quân cảnh Nga bắt đầu tuần tra tại Cao nguyên Golan
- Thảm kịch chết chóc nhất trong ngành tên lửa Liên Xô
- Nước mắt phi hành gia vô danh
- Phút hấp hối của phi hành gia Liên Xô
Thế chiến I chứng kiến nhiều thảm họa bắt nguồn từ sai lầm chiến thuật, sự ngoan cố và thiếu hiểu biết về tác chiến của các viên tướng chỉ huy, khiến quân đội các nước phải trả giá đắt về xương máu, theo War History.
Cuộc xâm lược Serbia của quân đội Áo năm 1914
Trong những cường quốc tham chiến từ năm 1914, Áo là nước có sự chuẩn bị kém nhất. Chính phủ nước này vội vàng xâm lược Serbia, không đề phòng cho sự can thiệp khó tránh khỏi từ Nga.
Phớt lờ bài học trong các cuộc chiến trước đó, Áo vẫn huấn luyện cho quân đội của mình những kỹ chiến thuật lỗi thời. Quân đội Áo gồm nhiều thành phần đến từ các vùng miền khác nhau, khiến một số binh sĩ trong các trung đoàn phải giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh, thứ ngôn ngữ họ chỉ mới được học trong quá trình chuẩn bị nhập cư vào Mỹ.
Dù vậy, Tổng tư lệnh quân đội Áo Conrad von Hötzendorf vẫn quyết tâm điều quân xâm lược Serbia. Dù coi Nga là mối đe dọa chính, ông ra lệnh điều 12 sư đoàn tấn công Serbia trong 10 tuần, sau đó mới rút lui để tăng cường phòng tuyến đối phó Nga.
Tuy nhiên, von Hötzendorf không thông báo về kế hoạch rút quân trong ngắn hạn này cho tướng Potiorek, chỉ huy mặt trận Serbia. Điều này khiến kế hoạch tác chiến của Áo bị xáo trộn và không hoàn chỉnh, khâu hậu cần gặp nhiều khó khăn, việc tiếp tế cho các đoàn tàu chở quân bị chậm trễ, làm binh sĩ bị bỏ đói nhiều ngày.
Quyết định ra lệnh tấn công Nga sau đó của von Hötzendorf đã dẫn tới thảm họa. Bị đối phương áp đảo về quân số, trong khi trình độ chỉ huy kém, quân Áo mất 1/3 lực lượng chỉ trong ba tuần.
Trận Loos năm 1915
Ngày 25/9/1915, Lực lượng Viễn chinh Anh huy động 75.000 quân tấn công phòng tuyến Loos do quân đội Đức phòng thủ trên đất Pháp.
Khi chiến dịch bắt đầu, quân đội Anh quyết định lần đầu tiên sử dụng hơi độc clo trên chiến trường. Thế nhưng quyết định này lại là một sai lầm lớn, bởi gió không đủ mạnh để thổi hơi độc tới phòng tuyến của quân Đức, chỉ lơ lửng ở bãi đất trống trên chiến trường và gây cản trở tầm nhìn cho quân Anh.
Khi xung phong qua đám mây mù hơi độc này, bộ binh Anh bị lạc và không thể tấn công mục tiêu đã định.
Quân Anh tiến qua làn hơi độc ở Loos. Ảnh: War History. |
Hai sư đoàn phải đi đường vòng tránh khí độc để tiếp tục cuộc tấn công. Sau 18 giờ hành quân, họ đến được Loos trong đêm tối, nhưng bị đói và ướt sũng do dầm mưa. Chiến dịch đột kích được nối lại vào sáng hôm sau.
Đây được coi là cuộc tấn công tự sát. Quân Anh tiến lên phía trước theo đội hình đông người, nhưng bị kẹt lại giữa các hàng rào dây thép gai và trở thành mục tiêu cho các xạ thủ súng máy Đức.
Trong số 10.000 lính Anh tham gia đợt tấn công lần hai, hơn 8.000 người thiệt mạng hoặc bị thương. Quân Đức không chịu bất kỳ thương vong nào.
Chiến dịch Gallipoli năm 1915
Đây là chiến dịch mắc nhiều sai lầm nhất trong Thế chiến I. Ngày 19/2/1915, liên quân Anh-Pháp tìm cách tấn công Thổ Nhĩ Kỳ ở Dardanelles. Họ cố gắng giới hạn chiến dịch ở phạm vi trên biển. Tuy nhiên, nỗ lực oanh tạc các cứ điểm ven bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ không hiệu quả, liên quân Anh-Pháp cũng bị tổn thất 4 thiết giáp hạm do trúng thủy lôi.
Chiến dịch tấn công trên bộ bắt đầu từ ngày 25/4, với lực lượng chủ lực là quân Anh cùng Sư đoàn ANZAC gồm binh sĩ Australia và New Zealand. Việc chuẩn bị được tiến hành gấp rút, chỉ huy Anh không đề ra kế hoạch chiếm bờ biển để đối phó các cứ điểm phòng thủ dày đặc của đối phương.
Khi cuộc đổ bộ bắt đầu, quân Anh ngay lập tức hứng chịu tổn thất nặng nề khi vấp phải sự kháng cự của Thổ Nhĩ Kỳ, ngay cả khi đổ bộ được lên bờ biển, binh sĩ cũng không biết phương án tác chiến tiếp theo. Sư đoàn ANZAC đi lạc vào các mương nước và bụi rậm, khiến đà tiến công bị chậm.
Sau nhiều tháng giao tranh, liên quân Anh vẫn bị mắc kẹt tại các bờ biển. Đến tháng 8, họ cố gắng đổ bộ ở Vịnh Suvla dưới sự chỉ huy của trung tướng Frederick Stopford, người không có kinh nghiệm chiến đấu. Thay vì đột kích vào đất liền, tướng Stopford lại lệnh cho binh sĩ cầm cự ở bờ biển và chờ tiếp viện. Điều này khiến họ đánh mất yếu tố bất ngờ và bị quân Thổ Nhĩ Kỳ bao vây.
Tới đầu tháng 1/1916, tướng William Birdwood phải ra lệnh di tản sau khi “nướng” 252.000 binh sĩ dưới làn hỏa lực của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày mở màn trận Somme năm 1916
Trận Somme, cuộc tấn công do Anh dẫn đầu ở mặt trận phía Tây năm 1916, gặp thảm họa ngay từ lúc bắt đầu. Đây là chiến dịch sai lầm từ khâu lập kế hoạch.
Tổng tư lệnh Anh Douglas Haig tin rằng việc chọc thủng phòng tuyến Đức trước khi dùng kỵ binh tấn công sẽ mang lại chiến thắng. Trong khi đó, tướng trực tiếp cầm quân Rawlinson lại cho rằng quân Anh nên tấn công và củng cố vị trí chiếm được theo từng bước nhỏ. Điều này khiến kế hoạch tác chiến không theo một bài bản cố định nào.
Một khẩu đội pháo tham gia trận Somme. Ảnh: War History. |
Ngày 1/7/1916, cuộc tấn công bắt đầu. Các cuộc pháo kích làm mềm chiến trường diễn ra trong nhiều ngày là dấu hiệu cảnh báo cho quân Đức. Bộ binh tiến quân qua khu vực trống trải sau loạt pháo bắn chặn đầu, nhưng chiến thuật này vẫn có lỗ hổng chết người.
Việc quân Anh chỉ xung phong 100 m và dừng lại trong mỗi đợt tiến công khiến phía Đức có thời gian bắn trả và rút xuống chiến hào. Bị kẹt dưới bùn lầy và hàng rào thép gai, binh sĩ Anh phải hứng chịu hỏa lực hủy diệt của quân Đức.
Trong ngày mở đầu trận Somme, quân Anh hầu như không thể tiến lên phía trước và chịu tổn thất nặng nề với 57.470 thương vong, trong đó 19.240 người chết và 2.152 người mất tích. Đây được xem là ngày đẫm máu nhất trong lịch sử quân đội Anh.
Theo VNE