Safeguard được Mỹ phát triển để đối phó với tên lửa đạn đạo Liên Xô, nhưng chỉ vận hành chưa được một ngày trước khi bị đóng cửa.
- Trump nói thông đồng với Nga ‘không phải hành động phạm tội’
- Trump vẫn duy trì lệnh trừng phạt Nga
- Trump sẵn lòng đến Moskva nếu Nga có lời mời chính thức
- Putin mời Trump đến Moskva
Tổ hợp phòng thủ tên lửa Stanley R. Mickelsen thuộc dự án “Safeguard” nằm ở khu vực phía bắc bang North Dakota, Mỹ là một trong những ví dụ điển hình cho những nỗ lực hao tiền tốn của nhưng không mang lại nhiều hiệu quả của Lầu Năm Góc trong cuộc chạy đua vũ trang với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Dự án này chỉ vận hành được 23 tiếng trước khi bị quốc hội Mỹ chấm dứt hoạt động, theo War is Boring.
Mỹ phát triển chương trình lá chắn chống tên lửa đạn đạo (ABM) Safeguard vào cuối thập niên 1960 để bảo vệ mạng lưới hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman khỏi những đợt tấn công phủ đầu, nhằm duy trì khả năng răn đe hạt nhân của Washington.
Safeguard được thiết kế để đánh chặn các cuộc tấn công quy mô nhỏ, có giới hạn từ Liên Xô và Trung Quốc, không đủ sức bảo vệ kho ICBM của Washington khỏi một đợt tấn công tổng lực từ Moskva. Điều này nhằm ngăn Liên Xô coi Safeguard là mối đe dọa chiến lược và tìm biện pháp đối phó. Safeguard cũng có thể được nâng cấp dần để tăng khả năng bảo vệ lãnh thổ Mỹ.
Hệ thống Safeguard gồm hai lớp, đầu tiên là tên lửa tầm xa LIM-49 Spartan có khả năng đánh chặn mục tiêu ngoài khí quyển Trái Đất từ khoảng cách 740 km. Nếu Spartan không thể đánh chặn ICBM đối phương, các quả đạn Sprint có tầm bắn 40 km và tốc độ 12.250 km/h ở lớp thứ hai sẽ được phóng lên.
Cả hai loại tên lửa đều được trang bị đầu đạn hạt nhân, trong đó Spartan có sức mạnh tương đương 5 triệu tấn thuốc nổ TNT và Sprint mạnh ngang 1.000 tấn TNT. Chúng dựa vào tia phóng xạ để phá hủy hoặc làm hư hại đầu đạn mục tiêu, thay vì tận dụng sức nổ và nhiệt lượng để thực hiện nhiệm vụ này.
Mỹ dự kiến triển khai ba tổ hợp lá chắn để bảo vệ kho vũ khí hạt nhân chiến lược tại căn cứ không quân Whiteman, Malmstrom và Grand Forks. Tuy nhiên, quá trình xây dựng hệ thống phòng thủ tại căn cứ Whiteman sớm bị hủy bỏ, chỉ có tổ hợp Malmstrom và Grand Forks được khởi công.
Năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon và lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev ký Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo. Mỗi nước được sở hữu tối đa hai tổ hợp ABM, trong đó mỗi hệ thống được biên chế không quá 100 tên lửa đánh chặn. Không lâu sau, quốc hội Mỹ chấm dứt việc xây dựng lá chắn tên lửa bảo vệ căn cứ Malmstrom vì chi phí quá cao.
Tổ hợp Stanley R. Mickelsen ở North Dakota đạt khả năng chiến đấu sơ bộ vào ngày 1/4/1975, trước khi đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu toàn diện ngày 1/10 cùng năm. Cơ sở này được biên chế 30 quả đạn Spartan và 70 tên lửa Sprint theo các điều khoản của hiệp ước với Liên Xô.
Chưa đầy 24 giờ sau, Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua quyết định chấm dứt dự án Safeguard, cho rằng nó không có hiệu quả và tiêu tốn quá nhiều ngân sách. Tổ hợp Stanley R. Mickelsen bị vô hiệu hóa vào tháng 2/1976. Tới tháng 12/2012, nó được một tổ chức dân sự tại bang North Dakota mua lại với giá 530.000 USD.
Một báo cáo kiểm toán năm 1974 của chính phủ Mỹ đã hé lộ chi phí của dự án Safeguard, trong đó gồm 112 triệu USD vật tư xây dựng, 481 triệu USD đổ vào “những nỗ lực vô ích” và 697 triệu USD do “thay đổi tiến độ”. Tổng số tiền được Washington đổ vào Safeguard là 1,3 tỷ USD, tương đương với gần 6 tỷ USD ngày nay.
Vị trí đặt tổ hợp Stanley R. Mickelsen gần biên giới Mỹ – Canada. Đồ họa: Google Earth. |
Theo VNE