Viên ngọc quý giữa vùng trung du
Nằm giữa vùng núi đồi thấp trung du Tây Bắc bộ, trải rộng trên diện tích chừng 1.500ha với thảm thực vật phong phú, Đầm Ao Châu là món quà tặng lý thú từ thiên nhiên cho vùng đất tổ Phú Thọ. Tương truyền trong khi đi tìm đất định đô, vua Hùng và quần thần nước Văn Lang đã đặt chân đến vùng đất có 99 ngọn đồi cùng 99 ngách nước. Trong khi đang chiêm ngắm cảnh đẹp nơi đây, họ tình cờ được mục kích cảnh hai con trâu vàng đang giao đấu quyết liệt, rồi bỗng dưng cả hai cùng lặn xuống nước biến mất. Từ đó đầm được gọi là hồ Kim Ngưu (Trâu Vàng).
Đầm Ao Châu chụp từ trên cao. Ảnh: backieuphong
Có lẽ xuất phát từ huyền thoại “Trâu Vàng” và thực tế bên trong là đầm nhưng bên ngoài cũng còn những ngách nhỏ tạo thành ao rải rác, kết hợp thành quần thể mang hình dáng một đầu trâu với hai sừng choãi ra hai phía sông Thao và sông Lô mà người đời sau đã gọi hồ Trâu Vàng bằng cái tên khá chi tiết: “Đầm Ao Châu” (trong cách phát âm của cư dân địa phương, “trâu” bị đọc trại thành “châu”).
Là một huyện miền núi phía Bắc tỉnh Phú Thọ, lại được điều tiết bởi Đầm Ao Châu nên huyện Hạ Hòa nói chung và Đầm Ao Châu nói riêng sở hữu môi trường tuyệt vời của khí hậu miền núi Tây Bắc bộ, mát mẻ với lượng mưa trung bình khoảng 1.850mm / năm, nhiệt độ trung bình hàng năm chừng 23°C. Tại đây lạnh nhất là tháng 1 với nhiệt độ chừng 15°C, nóng nhất là tháng 6 với nhiệt độ chừng 28°C.
Viên ngọc quý giữa vùng trung du. Ảnh: backieuphong
Với diện tích mặt nước gần 300ha, Đầm Ao Châu trải ra mênh mông, phẳng lặng và trong xanh. Mực nước đầm có độ sâu trung bình 4 – 5m, nơi sâu nhất trên 30m. Phía Đông Nam đầm thông với sông Thao bằng ngòi Lửa Việt, phía Đông Bắc đầm là dãy núi cao gồm các núi Ông, núi Vằn, núi Buộm, trong đó núi Buộm cao và đẹp nhất với đỉnh cao 665m so với mực nước biển. Trong đầm có chừng 100 hòn đảo lớn, nhỏ, dàn trải khắp mặt đầm với hệ thực vật đa loài, vừa dày đặc vừa phong phú…
Đầm Ao Châu còn mang đậm nét nguyên sơ. Ảnh: backieuphong
Địa hình đồi núi đã tạo nên hàng trăm ngách nước luồn lách giữa các khu vực, nhiều con suối đẹp đổ nước xuống đầm. Nhờ tích nước bốn mùa và không bị cạn đã tạo điều kiện cho các thảm thực vật tự nhiên phát triển, chủ yếu là lau, sậy, nứa, chè và các bụi cây thấp…; một số đồi về sau được phủ bởi bạch đàn, bồ đề, thông và trên một số đảo bà con địa phương đã trồng các loại cây ăn quả như vải, nhãn, mít, bưởi…
Cảnh đẹp tự nhiên của đầm Ao Châu. Ảnh: backieuphong
Theo thống kê của các nhà chuyên môn, khu vực Đầm Ao Châu có đến 702 loài thực vật có giá trị về gỗ và nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh, 22 loài thú, 71 loài chim, 29 loài cá trong đó nổi bật có các loài chép, trắm, măng, ngạnh…, nhiều loài thủy tộc qúy hiếm như rùa vàng, ba ba, giải…
Một khu du lịch ở dạng tiềm năng
Là một vùng cảnh quan độc đáo với vẻ đẹp nguyên sơ kết hợp giữa núi đồi, cỏ cây, đầm nước và môi sinh tuyệt vời, Đầm Ao Châu có đủ yếu tố thuận lợi phát triển du lịch sinh thái với các loại hình nghỉ dưỡng, bơi thuyền, leo núi, câu cá, hái quả… Năm 2001, Sở Thương mại – Du lịch Phú Thọ và Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) đã phối hợp khảo sát, lập quy hoạch chung Khu du lịch Đầm Ao Châu và tỉnh Phú Thọ cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu du lịch Đầm Ao Châu với diện tích khoảng 1.500ha.
Sau hơn 15 năm, mặc dù các chuyên gia đầu ngành du lịch đều khẳng định tính khả thi của dự án Đầm Ao Châu và du lịch tỉnh Phú Thọ cũng đã có nhiều chuyển biến, nhưng thực tế chỉ mới tập trung ở vùng trung tâm, còn ở các huyện dường như chưa được đầu tư đúng mức… Cho đến nay tỉnh Phú Thọ đã có kế hoạch đầu tư xây dựng hai khu du lịch Thác Ao Giời – Suối Tiên và Đầm Ao Châu cùng Khu đô thị nghỉ dưỡng Hoàng Gia – đầm Vân Hội thuộc huyện Hạ Hòa trong giai đoạn 2021 – 2030. Do vậy du lịch Đầm Ao Châu đành phải chờ quy hoạch hoặc phép mầu dù chỉ cách thị xã Phú Thọ 40km, thành phố Việt Trì 65km, thủ đô Hà Nội chừng 120km…
Tuy trước mắt chưa có sự đầu tư chính thức và chỉ mới dừng lại ở chỗ tự phát nhưng không vì thế mà du lịch Đầm Ao Châu thiếu đi tính hấp dẫn. Du khách đến Đầm Ao Châu ngoài cái thú dong thuyền vãng cảnh non nước, quan sát thảm thực vật phong phú quanh đầm và trên các đảo, còn có dịp ghé thăm các đảo, tìm hiểu ngôi đài cổ “Từ Hàng Quảng Tế” thờ các bậc anh linh với tấm đại tự hay đôi câu đối mang ý nghĩa thâm thúy… Ngoài ra, du khách còn được dịp khám phá những món ăn mang hương vị đầm ao hay núi rừng do cư dân bản địa chế biến, nếu gặp mùa sẽ càng thú vị khi được tự tay hái những chùm vải Ao Châu chín mọng và thưởng thức ngay tại chỗ…
Đền Quốc Mẫu Âu Cơ
Hiện nay hệ thống đường giao thông đến các điểm du lịch trong huyện Hạ Hòa đã tương đối hoàn thiện, du khách dễ dàng đến Đầm Ao Châu bằng đường sắt, đường cao tốc mới (Hà Nội – Lào Cai), đường bộ (quốc lộ 32 và 32C, quốc lộ 2) hoặc đường thủy. Từ Đầm Ao Châu, trong vòng bán kính 20km, du khách còn có thể khám phá khu thắng cảnh Ao Giời – Suối Tiên, thăm các di tích lịch sử như đền Mẫu Âu Cơ, đền Chu Hưng, các làng nghề…