Một lần nữa, vì những quyết định nôn nóng của giới lãnh đạo Liên Xô trong cuộc chạy đua vào không gian với Mỹ thời Chiến tranh Lạnh mà lịch sử hàng không nước này phải chứng kiến những tấn bi kịch thảm khốc.
- Nước mắt phi hành gia vô danh
- Phút hấp hối của phi hành gia Liên Xô
- Sức mạnh tiêm kích ‘Siêu đại bàng’ Mỹ đang bí mật phát triển
- Hố sâu tử thần rộng hơn 30m đột ngột mở rộng khiến dân làng Nga khiếp sợ
Để những con tàu vũ trụ sải cánh trong không gian, tất yếu cần hệ thống tên lửa đẩy. Và một lần nữa, người Liên Xô lại tiên phong trong lĩnh vực này.
Ngay trước khi Thế chiến II nổ ra, Liên Xô đã khởi xướng chương trình phát triển tên lửa liên lục địa đầu tiên trên thế giới.
Nhờ có tài năng tuyệt vời của Sergey Korolev, kỹ sư thiết kế tên lửa hàng đầu của Liên Xô, mà R-7 Semyorka, thế hệ tên lửa liên lục địa đầu tiên trên thế giới của Liên Xô ra đời năm 1957.
Hai tháng sau khi ra đời, R-7 Semyorka “nâng cánh” cho vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới của Liên Xô là Sputnik 1 bay thẳng vào quỹ đạo Trái Đất.
Với mong muốn phát triển hệ thống tên lửa liên lục địa mạnh hơn nữa để đáp ứng các sứ mệnh bay ra ngoài không gian của Liên Xô, giới lãnh đạo lệnh cho Nguyên soái Mitrofan Nedelin – Tư lệnh các lực lượng tên lửa chiến lược Liên Xô, chỉ đạo chế tạo thế hệ tên lửa mới mang tên R-16.
Vì nôn nóng trước một nước Mỹ có thừa tiềm năng vượt mặt Liên Xô mà chính phủ Liên Xô liên tiếp gây áp lực về thời gian cho Nguyên soái Mitrofan Nedelin. Điều tất yếu, tổng công trình sư Mikhail Yangel (chỉ đạo trực tiếp việc chế tạo R-16) và đội kỹ thuật của ông cũng bị hối thúc liên tục.
Kết cục, khi mọi sự chưa thể chín muồi thì trái đắng phải nhận là điều khó tránh khỏi. Ngày 24/10/1960, R-16 được đưa ra bãi Tyuratam phóng thử nghiệm. Tuy nhiên, R-16 chưa kịp phóng thì gặp phải sự cố khủng khiếp: Do lỗi kỹ thuật, động cơ tầng 2 của tên lửa phát hỏa.
Hình ảnh một quả cầu lửa khổng lồ đường kính 120m bao trùm cả quả R-16 dài 30,4m.
Ngọn lửa nhanh chóng lan xuống thùng nguyên liệu tầng 1 khiến cho R-16 bỗng chốc trở thành cột lửa khổng lồ. Hơn 200 người tham dự buổi phóng gặp nguy hiểm.
Những người quan sát R-16 phóng thử ở khu vực gần bãi phóng bị lửa thiêu cháy ngay lập tức. Số khác chết vì ngạt khí độc từ thùng nhiên liệu gây ra. Nhiều người khác bị thương và bị bỏng nặng. Trong số đó có Nguyên soái Mitrofan Nedelin.
Vì không muốn xuất hiện với hình ảnh “xấu” trong mắt phương Tây, lãnh đạo Liên Xô thời đó là Nikita Khrushchev hạ lệnh giấu nhẹm sự việc và coi đó là bí mật quốc gia hàng đầu.
Khi cuộc Chiến tranh Lạnh dần đi vào hồi kết, công chúng mới biết sự thật về thảm họa tên lửa kinh hoàng này, và gọi nó là Nedelin Catastrophe (tấn bi kịch mang tên Nguyên soái Mitrofan Nedelin).
Có thể nói, trước và sau khi người Liên Xô đạt được những dấu mốc quan trọng trong hành trình khai phá vũ trụ, rất nhiều tấn bi kịch thảm khốc đã xảy ra. Vì lý do giữ gìn hình ảnh cho đất nước mà giới lãnh đạo Liên Xô quyết định đưa sự việc vào dạng tuyệt mật.
Sự hy sinh của họ về sau mới được công nhận và được đông đảo công chúng biết đến. Bởi vậy mới nói, trên chặng đường đi tìm ánh hào quang, phía sau nó vẫn có những mất mát, đau thương!
Theo Sonha