Những chiếc đèn lồng đỏ làm cổ trấn của Trung Quốc trở nên ấm áp, thơ mộng hơn vào ngày mưa.
- Nữ du khách bị sư tử vồ ngay sau khi chụp ảnh
- Hội an có gì đi hoài mà không chán?
- 11 thành phố diễn ra World Cup 2018 có gì đặc biệt?
- Moskva: Du khách nước ngoài có thể thuê xe tự lái carsharing
- Phạt hàng trăm khách sạn vì tăng giá phòng trước World Cup 2018
- Hình ảnh 12 sân vận động sẽ diễn ra các trận đấu của World Cup 2018
- Cùng người đẹp Nga ngắm toàn cảnh Moscow từ tầng cao 89
Lần đầu tiên đến Phượng Hoàng Cổ Trấn (Trung Quốc) đúng dịp mưa đầu tháng 7 vừa qua, Thục Anh (Hà Nội) đã có những trải nghiệm, cảm xúc và cái nhìn khác về nơi này.
Tôi đến Phượng Hoàng vào những ngày trời mưa đỏng đảnh như Hà Nội bây giờ vậy. Chuyến đi kéo dài gần một tuần nhưng thời gian di chuyển giữa các thành phố đã chiếm đến một nửa. Từ Hà Nội đến Phượng Hoàng, vì thời tiết xấu mà tôi lên đường từ 6h sáng nhưng mãi 1h khuya mới đến nơi, trong đó có 7 tiếng ngồi ôtô. Đêm đó dù tôi đã mệt mỏi rã rời nhưng đến nơi, cổ trấn lung linh trong ánh đèn vàng ấm áp soi bóng xuống mặt nước Đà Giang vẫn khiến tôi đủ sức mơ mộng cho những ngày tới.
Sáng sớm ở Phượng Hoàng trong trẻo sau cơn mưa đêm hôm trước. Chúng tôi đi xuôi theo con đường chạy dọc bên bờ sông, khi những cánh cửa còn chưa mở và sự im lặng còn buông trên những mái nhà. Trên cầu Hồng Kiều, các cửa hàng cũng chưa hoạt động, chỉ có người đi bộ và dãy đèn lồng còn đang thắp sáng vì trời vẫn mờ sương.
Với tôi, hình ảnh đẹp nhất của đất nước rộng lớn này không phải là thiên nhiên kỳ vĩ mà chính là những dãy đèn lồng đỏ treo trên những mái hiên còn đang rơi từng giọt nước mưa xuống tán ô của người đi bộ. Giữa cổ trấn mênh mông màu xanh sông nước, màu đỏ của đèn lồng nổi bật hơn trên nền trời xam xám ảm đạm mây giăng kín. Chính những ánh đèn đỏ làm ấm hơn không gian của mùa mưa nơi đây.
Ở Phượng Hoàng, chiếc cầu đá nhảy bắc ngang dòng sông có lẽ là nơi hút khách nhất. Nếu những tấm ảnh của các blogger du lịch chụp tại đây luôn mang vẻ cô đơn và vắng lặng không một bóng người, thì lúc tôi tới là giữa trưa có rất nhiều khách du lịch đang qua lại trên cầu. Dù vậy tôi cũng không bỏ qua cơ hội có một tấm hình ưng ý tại đây.
Thục Anh trên cây cầu đá nhảy nổi tiếng của Phượng Hoàng cổ trấn. |
Cả đoàn ngồi thuyền xuôi dòng Đà Giang chỉ một đoạn ngắn thôi nhưng lại là khoảnh khắc độc đáo nhất tôi cảm nhận được trong chuyến đi. Từng đi thuyền trên vài dòng sông nhưng cảm nhận của tôi không lặp lại lần thứ hai vì mỗi con sông là một câu chuyện. Trên con thuyền hôm ấy có tiếng gió lướt qua bên tai, hòa lẫn với bài hát Ánh trăng nói hộ lòng tôi phát ra từ điện thoại của một ai đó và nhìn con thuyền lướt chầm chậm trên sông. Dù con sông chẳng tĩnh lặng chút nào vì còn một vài thuyền chở khách du lịch khác nữa, nhưng tôi vẫn cứ thấy như chỉ có một mình tôi với mặt nước xanh biếc và chiếc đèn lồng treo bên cạnh.
Buổi đêm ở Phượng Hoàng cổ trấn không hề ảm đạm như tôi đã nghĩ. Đèn vẫn thắp sáng đến khuya và nhạc vẫn mở trong những quán bar. Tôi chỉ đi bộ dưới lòng đường và ngước nhìn lên hai bên phố. Ở một góc, tôi thấy cánh cửa nhỏ dẫn lên một quán bar phun khói trắng cùng ánh đèn chiếu lên mờ ảo, khiến cho người ca sĩ đứng giữa làn khói như đứng trên sân khấu lớn. Lúc sau tôi lại thoáng nghe giọng nữ hát Lemon Tree vang lên từ quán cà phê nào đó. Mãi như thế cho đến gần nửa đêm.
Ở tỉnh Hồ Nam, khách du lịch không chỉ dừng chân ở Phượng Hoàng cổ trấn mà còn đến Trương Gia Giới. Tuy nhiên, trong mùa mưa, tôi không thể cảm nhận được nhiều về những thắng cảnh trên cao hay các lối đi bằng kính, vì trời mưa tầm tã, sương mù che khuất mọi góc nhìn. Đứng trên mặt kính, tôi chỉ thấy một màu sương trắng phía dưới.
Núi Thiên Môn cũng bị cơn mưa đầu tháng 7 giấu đi mất, nhưng lúc trời nắng chắc hẳn cảnh tượng phải kỳ vĩ lắm. Tối hôm ấy, tôi được đền bù khi xem chương trình biểu diễn Thiên Môn hồ tiên mà trời không mưa. Tôi từng được xem Ấn tượng Lệ Giang dưới chân Ngọc Long Tuyết Sơn cách đây một năm với sân khấu ngoài trời rất công phu, nhưng về nội dung thì Thiên Môn hồ tiên còn hay hơn nhiều. Câu chuyện tình giữa anh tiều phu và nàng cáo được tái hiện lại trên sân khấu xây dưới chân núi. Các nhân vật thoắt ẩn thoắt hiện giữa núi rừng, lúc đứng sát khán giả, lúc lại đứng tít trên đỉnh đồi phía xa. Âm nhạc của vở diễn cũng là yếu tố khiến cho người xem chìm sâu hơn vào thế giới thần tiên, lúc tỉnh lúc mê như đang ở trong mộng.
Tôi từng có định kiến về Trung Quốc khi chọn nơi đi du lịch, phần nhiều vì ở đây không nói tiếng Anh mà tôi lại không hiểu tiếng Trung. Sau một vài chuyến đi, mà gần đây nhất là chuyến đi đến Phượng Hoàng cổ trấn, tôi đã thấy mình dần thay đổi và muốn tìm hiểu thêm về đất nước này. Bỏ qua những ấn tượng tiêu cực mà tôi từng có về đất nước và con người nơi đây, tôi vẫn thấy Trung Quốc là một nơi nhiều bí ẩn mình cần khám phá.
Theo VNE