Năm 2017 được dự đoán sẽ là năm của Chatbot với mức độ cạnh tranh còn khốc liệt hơn rất nhiều.
- Hạ nhiệt ô tô nóng 60 độ chỉ sau 30 giây
- Cách khắc phục lỗi không thể kết nối Wi-Fi
- Nga huấn luyện cá voi bảo vệ căn cứ hải quân
- Thiết bị điều khiển bằng não giúp bệnh nhân đột quỵ cử động được chân tay
- Vì sao người xưa chụp ảnh chân dung luôn lạnh lùng và nghiêm nghị?
- Bay tới rìa vũ trụ chỉ cần không khí và điện
Hơn 30.000 loại Chatbot mới và 6.000 ứng dụng kích hoạt bằng giọng nói được tung ra trong năm 2016. Năm 2017 được dự đoán sẽ là năm của Chatbot với mức độ cạnh tranh còn khốc liệt hơn rất nhiều.
Mới đây, Facebook đã tích hợp Chatbot lên nền tảng Messenger vốn có lượng người dùng khổng lồ. Google cũng triển khai dịch vụ có tên Chatbase hỗ trợ các nhóm phát triển xây dựng và hoàn thiện Chatbot.
Các trợ lý ảo Siri của Apple hay Alexa của Amazon đã trở thành trợ thủ không thể thiếu của nhiều người dùng và vẫn không ngừng hoàn thiện.
2 trong số 7 thông báo mang tầm chiến lược nhất mà Microsoft tuyên bố tại hội nghị Build 2016 nói về Chatbot. Màn thể hiện khả năng của Chatbot do Microsoft phát triển tại sự kiện này cũng đã gây ra một cơn sốc trong giới công nghệ. Chatbot chính là “con át chủ bài” của Microsoft dùng để đòi lại ngôi vương.
Vậy Chatbot là gì mà sức hút của nó lại lớn đến như vậy?
Chatbot là một trợ lý ảo kết nối với các ứng dụng trên thiết bị điện tử để thực hiện những yêu cầu của người sử dụng qua ngôn ngữ tự nhiên. Ví dụ khi bạn yêu cầu gọi xe taxi, Chatbot tự sử dụng ứng dụng Uber để đặt xe giúp bạn.Chatbot cũng được nhiều doanh nghiệp sử dụng với vai trò của nhân viên chăm sóc khách hàng. Không chỉ trả lời yêu cầu của khách hàng một cách đơn giản, các Chatbot thông minh còn chủ động cung cấp thêm cả các thông tin liên quan, lựa chọn thay thế.
“Trí tuệ” của Chatbot có thể khiến nhiều người kinh ngạc.
Hãy thử gửi yêu cầu “Tôi muốn gọi pizza pepperoni cỡ lớn” cho Chatbot của Skype nhưng đừng quá ngạc nhiên khi bạn nhận được phản hồi: “Bạn muốn đế dày hay mỏng?”
Một trong các yếu tố quan trọng tạo ra sự khác biệt của Chatbot là chúng cho bạn cảm giác đang giao tiếp với một con người có tư duy chứ không phải một phần mềm lập trình sẵn. Không chỉ vậy, Chatbot còn có khả năng tự học hỏi, bổ sung “kiến thức” và không ngừng tự hoàn thiện qua các lần tương tác với người dùng.
Đánh giá về tiềm năng của Chatbot, người sáng lập Evernote, Phil Libin đã cho rằng: Chatbot là điều thú vị nhất ông thấy từ sau iPhone đến nay. Do đó không có gì lạ khi nhiều người cho rằng cuộc đua về Chatbot sẽ vẽ lại bản đồ làng công nghệ tương lai.
Cơ hội nào cho Chatbot Việt?
Một trong các yếu tố làm nên sức mạnh của Chatbot là khả năng tự học hỏi. Càng được sử dụng, tương tác với người dùng nhiều, nền tảng Chatbot càng “thông minh”.
Bởi vậy, trong cuộc đua về Chatbot, ai nhanh chóng chiếm lĩnh được thị phần lớn sẽ có được lợi thế không nhỏ. Các đại gia công nghệ, đặc biệt là Microsoft, Google hay Facebook… ganh đua vị trí dẫn đầu bằng cách xây dựng nền tảng cho những nhà phát triển khác sử dụng để tạo nên Chatbot của riêng họ.
Hiện tại, các doanh nghiệp Việt khó có khả năng cạnh tranh được ở cuộc chơi đó mà phần lớn lựa chọn việc phát triển các Chatbot với chức năng cụ thể. Tuy nhiên, cuộc chiến ở thị trường này cũng không hề đơn giản.
Chỉ trong năm 2016, hơn 30.000 Chatbot mới ra đời ở hàng loạt lĩnh vực từ ngân hàng, y tế, bán lẻ… Con số này được dự đoán sẽ còn tăng với tốc độ chóng mặt trong thời gian tới.
Dù xuất phát tương đối muộn cũng như còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng các nhà phát triển Chatbot Việt cũng có những cơ hợi, lợi thế nhất định.
Đầu tiên là ưu thế về ngôn ngữ sử dụng. Khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên vẫn là vấn đề làm đau đầu tất cả các nhà phát triển. Ngay cả với ngôn ngữ phổ biến là tiếng Anh, các Chatbot hiện nay cũng chưa thể “hiểu” hoàn toàn mà phải phán đoán dựa trên các từ khóa trong câu.
Sự phức tạp của tiếng Việt sẽ là lợi thế đáng kể giúp các nhà phát triển Chatbot Việt có thể chiếm được “miếng bánh” của mình. Thực tế, không ít Chatbot dùng tiếng Việt được phát triển và tạo ra những kết quả đáng ghi nhận như trợ lý bán hàng “ảo” Hana, Sumi…
Ngoài ra việc Microsoft, Facebook hay Google đưa ra các nền tảng cho người dùng tự xây dựng Chatbot đem đến cơ hội cho các nhà phát triển, các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể.
Trợ lý bán hàng Hana một trong các Chatbot “made in Vietnam”.
Các Chatbot loại này có ưu thế rõ rệt trong việc hiểu đúng yêu cầu của người dùng cũng như cung cấp các giải đáp, sản phẩm phù hợp hơn so với những gì các Chatbot “tổng hợp” có thể làm. Đây là hướng đi được nhiều doanh nghiệp Việt lựa chọn với một số Chatbot được dùng trong các dịch vụ chăm sóc y tế, du lịch, ngân hàng…
Dù Chatbot được coi là “cuộc chiến của các vua” nhưng với định hướng hợp lý và ý tưởng sáng tạo, các “Made in Vietnam” hoàn toàn có thể giành được chỗ đứng của mình trên bản đồ Chatbot thế giới.
Theo Khampha.