Vào tháng 10 năm 1950, nhà bác học người Anh Alan Turing đã xem xét vấn đề “liệu máy có khả năng suy nghĩ hay không?” (I propose to consider the question, “Can machines think?”)(1). Để trả lời câu hỏi này, ông đã đưa ra khái niệm “phép thử bắt chước” (imitation test) mà sau này người ta gọi là “phép thử Turing” (Turing test) trong một bài báo nổi tiếng ”Computing Machinery and Intelligence” trên tạp chí triết học Mind.
Phép thử được phát biểu dưới dạng một trò chơi. Theo đó, có ba đối tượng tham gia trò chơi (gồm hai người và một máy tính). Một người (người thẩm vấn) ngồi trong một phòng kín tách biệt với hai đối tượng còn lại. Người này đặt các câu hỏi và nhận các câu trả lời từ người kia (người trả lời thẩm vấn) và từ máy tính.
Cuối cùng, nếu người thẩm vấn không phân biệt được câu trả lời nào là của người, câu trả lời nào là của máy tính thì lúc đó có thể nói máy tính đã có khả năng “suy nghĩ” giống như người. Phép thử này có ý nghĩa rất lớn vì cho thấy được khả năng giao tiếp của máy tính với con người- đó chính là một biểu hiện cơ bản của trí tuệ nhân tạo.
Đến mùa hè năm 1956, tại Hội nghị do Marvin Minsky và John McCarthy tổ chức với sự tham dự của vài chục nhà khoa học tại trường Dartmouth, Mỹ, tên gọi “artificial intelligence” được chính thức công nhận và còn được dùng cho đến ngày nay. Cũng tại đây, Bộ môn nghiên cứu trí tuệ nhân tạo đầu tiên đã được thành lập.
Tóm tắt quá trình lịch sử của ngành trí tuệ nhân tạo, người ta chia làm ba giai đoạn chính:
Giai đoạn một (1950-1965)
Một số nhà khoa học như John McArthy, Marvin Minsky, Allen Newell và Herbert Simon cùng với những sinh viên đã viết những lập trình gây kinh ngạc cho hầu hết mọi người: máy vi tính giải được những bài toán đố của đại số (word problems of algebra), chứng minh các định lý, và nói được tiếng Anh. Các công trình nghiên cứu của họ được Bộ Quốc Phòng Mỹ tài trợ và họ đầy lạc quan về tương lai của bộ môn mới này. Một số thành tựu ban đầu của trí tuệ nhân tạo trong giai đoạn này có thể kể đến như:
- Chương trình chơi cờ của Samuel.
- Chương trình lý luận logic của Newell & Simon.
- Chương trình chứng minh các định lý hình học của Gelernter.
Năm 1965, Simon từng tuyên bố: “Máy móc trong vòng hai mươi năm nữa sẽ có khả năng làm tất cả mọi việc con người làm”. Tuy nhiên, với rất nhiều thách thức cũng như những hạn chế, tiên đoán này đến nay vẫn không thể trở thành sự thật.
Giai đoạn hai (1965 – 1975)
Các nghiên cứu trong gia đoạn này tập trung vào việc biểu diễn tri thức và phương thức giao tiếp giữa người và máy tính bằng ngôn ngữ tự nhiên. Nhưng hầu hết các nghiên cứu này đều thất bại và ngành trí tuệ nhân tạo đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Thất vọng trước các kết quả này, chính phủ các nước như Anh, Mỹ đã cắt bỏ tài trợ cho nhiều công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực này, nhất là các đề tài mang tính thăm dò hoặc không định hướng. Mặc dù vậy, các nghiên cứu trong giai đoạn này cũng giúp các nhà khoa học hiểu được giới hạn của máy tính và tìm ra được một số phương pháp biểu diễn tri thức vẫn được dùng cho đến nay.
Giai đoạn ba (từ 1975)
Sự thành công của một số hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo như Hệ chuyên gia, Hệ chẩn đoán đã giúp ngành trí tuệ nhân tạo thu hút được sự quan tâm của các Chính phủ trên thế giới. Trí tuệ nhân tạo dần trở thành một ngành công nghiệp. Các hệ thống và các chương trình trong lĩnh vực này đã được dùng trong thương mại và mang lại lợi nhuận cho người sử dụng.