Buổi họp báo của NASA vào cuối tuần này sẽ hé lộ kết quả thăm dò của robot Curiosity sau khi thiết bị khoan xuống bề mặt hành tinh đỏ.
- Tia plasma lạnh hỗ trợ làm lành vết thương hở như thế nào?
- Bệnh tình dục ít người biết sắp biến thành siêu khuẩn
- Tìm thấy chất diệt tế bào ung thư mạnh từ cây rừng Tây Nguyên
- Nữ tiến sĩ tìm ra chất trị ung thư từ cây rừng Quảng Trị
- Nhà khoa học Việt tìm ra chất chống ung thư từ rau dền
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ tổ chức họp báo vào 1 giờ sáng ngày 8/6 theo giờ Việt Nam nhằm chia sẻ phát hiện mới nhất về sao Hỏa, theo Express. NASA giữ kín thông tin buổi họp báo, nhưng xác nhận nội dung sẽ tập trung vào “kết quả khoa học mới từ robot thăm dò Mars Curiosity”, có thể liên quan tới sự sống trên hành tinh đỏ.
Buổi họp báo nhiều khả năng được tổ chức ở trụ sở của NASA tại Washington DC, Mỹ. Ashwin Vasavada, nhà khoa học dự án tại Phòng thí nghiệm Khoa học sao Hỏa của NASA, sẽ tham gia sự kiện họp báo cuối tuần này. Michelle Thaller, trợ lý giám đốc phụ trách truyền thông khoa học ở Ban khoa học hành tinh của NASA, sẽ dẫn chương trình. Buổi họp báo còn có sự tham gia của Paul Mahaffy, giám đốc Ban khám phá hệ Mặt Trời tại Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland, Jen Eigenbrode, nhà nghiên cứu đến từ Goddard và Chris Webster, nghiên cứu sinh tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Pasadena, California.
Robot thăm dò Mars Curiosity cất cánh từ trạm không quân mũi Canaveral ở Florida vào ngày 26/11/2011 và đổ bộ xuống sao Hỏa vào tháng 8/2012 để nghiên cứu khí hậu và địa chất của hành tinh này, cũng như tìm hiểu liệu sao Hỏa có thể duy trì sự sống hoặc có nước lỏng hay không. Do Curiosity bắt đầu khoan xuống bề mặt sao Hỏa lần đầu tiên trong 18 tháng qua, có thể phát hiện sẽ liên quan tới những gì thiết bị thăm dò đã đào được.
Curiosity từng phải bỏ dở kế hoạch lấy mẫu vật từ bề mặt sao Hỏa sau khi vấn đề kỹ thuật khiến mũi khoan không thể hoạt động vào tháng 10/2016. Tuy nhiên, các kỹ sư NASA đã phát triển kỹ thuật mới giúp khôi phục khả năng khoan của thiết bị thám hiểm, sử dụng cánh tay robot để đẩy mũi khoan về phía trước khi quay.
Kỹ thuật khoan mới mang tên Feed Extended Drilling (FED) giúp mũi khoan vươn xa hơn một chút khỏi điểm cố định, dùng để giữ vững mũi khoan trước đất đá bắn ra. Nhóm kỹ sư phát triển kỹ thuật dựa vào bản sao của robot Curiosity trên Trái Đất. Họ mất gần một năm để hoàn thiện phương pháp và áp dụng thành công trên sao Hỏa vào ngày 20/5.
Lúc đầu, Curiosity được lên lịch hoạt động trong nhiệm vụ hai năm nhằm thu thập thông tin giúp giải đáp câu hỏi liệu sao Hỏa có thể hỗ trợ sự sống hay chứa nước lỏng không. Tuy nhiên, do thành công, nhiệm vụ được kéo dài vô thời hạn. Curiosity hoạt động tích cực trong hơn 2.000 ngày, gửi về hàng nghìn bức ảnh. Thiết bị thăm dò trị giá 2,5 tỷ USD đã đi khoảng 18km trên bề mặt sao Hỏa. NASA sẽ thay thế nó bằng thiết bị thăm dò mới vào năm 2020.