Ngày 13/1/1947, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô thông qua đề xuất của nhà lãnh đạo Stalin về việc xây 8 cao ốc trong vòng 5 năm…
Ngày 7/9/1947, đúng 1h00 theo giờ Moscow, tại các khu khác nhau của thủ đô Liên Xô đã long trọng hạ thổ 8 viên đá. Tuy nhiên, 7 tòa được xây dựng hoàn tất. Cao ốc thứ 8 không bao giờ được hoàn thành. Ngày nay, “các tòa nhà Stalin” hay “7 tòa nhà chị em” là một phần không thể thiếu trong kiến trúc thủ đô Nga. Tuy nhiên, việc xây dựng chúng vẫn phủ đầy bí ẩn.
Trong một bài viết mới đây, nhà báo chuyên về kiến trúc và thiết kế Andrei Zakharchenko đã lật lại những lý do bí ẩn trong việc xây dựng hàng loạt cao ốc giống nhau, những dự án cuối cùng theo phong cách của nhà lãnh đạo Stalin. Có thực là các tòa nhà đó đã được dựng lên và có những truyền thuyết đô thị nào đang được thêu dệt xung quanh các tòa nhà đó hiện nay.
Bảy tòa nhà đã được xây dựng gồm: Khách sạn Ukraina, khu căn hộ Kotelnicheskaya, cao ốc Quảng trường Kudrinskaya, khách sạn Hilton, tòa nhà chính Bộ Ngoại giao, tòa nhà chính Đại học quốc gia Moscow và tòa nhà hành chính Cổng đỏ. Tòa thứ 8 không được hoàn thành là Cung Xô viết.
Trong bài viết đăng trên tờ báo độc lập Svobodnaya Pressa của Nga, nhà báo trên bắt đầu câu chuyện bằng việc gợi lại lý do chính thức để xây dựng các tòa nhà. “Trong nghị quyết số 53 của Hội đồng Bộ trưởng đề ngày 13/1/1947, đoạn đầu viết rằng cơ quan này đã thông qua đề xuất của đồng chí Stalin về việc xây dựng 8 cao ốc trong vòng 5 năm“.
“Năm trong số này sẽ có 16 tầng, hai tòa có 26 tầng và một tòa 30 tầng. Đoạn thứ hai trong công văn đề cập tới địa điểm các tòa nhà định xây và nêu cụ thể là kích thước và bóng của tòa nhà phải tuân thủ theo một thiết kế ban đầu, không được giống những tòa nhà nổi tiếng khác ở nước ngoài”.
Khách sạn Ukraina nhìn từ bên kia sông Moscow
“Có vài câu trả lời khả dĩ cho những câu hỏi kiểu như tại sao nhà lãnh đạo Stalin yêu cầu xây những tòa nhà như vậy, vào đúng thời điểm mà kinh tế Nga vẫn đang khó khăn sau Thế chiến II“, Zakharchenko viết.
“Có người cho rằng, Stalin hâm mộ kiến trúc Gô-tích. Tuy nhiên, có những câu trả lời phổ biến hơn như Stalin đưa ra dự án này với mục tiêu bắt kịp và vượt Mỹ, chứng tỏ cho thế giới rằng Liên Xô vẫn đứng vững trên hai chân của mình“.
Khách sạn Leningradskaya hiện là Hilton
Theo Zakharchenko, một số nhà nghiên cứu cho hay, móng của tất cả các tòa nhà trên không chỉ được dựng lên trong cùng một ngày mà thậm chí là cùng giờ, vào đúng 1 giờ chiều ngày 7/9/1947. Và mọi công trình xây dựng khác trong thành phố đều phải tạm dừng vào ngày đó.
Có lẽ việc ngừng các công trình xây dựng khác là nhằm nhấn mạnh tính nghiêm túc của thời điểm đó, nhà chiêm tinh Moscow Vladimir Ivantsov nói. Theo ông này, ngày khởi công các tòa nhà khó có thể là trùng hợp ngẫu nhiên. Vào thời điểm đó, sự sắp xếp của các thiên thể khiến cho các tòa nhà “tràn đầy năng lượng và có số phận đặc biệt“, ông Ivantsov cho biết.
Tòa nhà chính của đại học quốc gia Moscow
Ngoài ra, những người thích khoa học huyền bí còn cho rằng, “liên kết số lượng các nhà ga của hệ thống xe điện ngầm Moscow (12) với số tòa nhà dự xây (8 tòa), thì có vẻ như nhà lãnh đạo Stalin muốn tạo ra năng lượng vũ trụ trên đất nước. Đây cũng là lý do tại sao, Stalin nhất định cho rằng, trên đỉnh các tòa nhà phải có ăng ten xoắn ốc.
Cung Xô viết
Theo ông Mikhail Lebedev, kỹ sư thiết kế, tốt nghiệp đại học kỹ thuật quốc gia Moscow Bauman, 7 tòa nhà của Stalin chính là 7 đại kim tự tháp, đều hướng về một địa điểm – nơi Cung điện Xô viết theo kế hoạch được xây dựng nhưng chưa bao giờ mọc lên. Tòa nhà này dự kiến cao 495m, trên đỉnh có bức tượng Lenin cực lớn có thể xoay.
Nhà báo Zakharchenko viết, theo tâm lý học, các tấm radar gần các cao ốc trên hiện hoạt động rất khó đoán, và vào một số thời điểm nhất định, các bức tường của tòa nhà bắt đầu tự rung lên. “Tất cả những sự kiện lạ trên xảy ra vì Cung điện Xô viết – nơi hội tụ năng lượng của 7 tòa nhà trên, không được xây dựng“, Stanislav Verzev, một sinh viên trường chiêm tinh Hamburg viết.
Tòa nhà hành chính Cổng đỏ
Hiện, cho dù có bao nhiêu truyền thuyết liên quan tới 7 tòa nhà giống hệt nhau của Stalin thì nó vẫn để lại dấu ấn đẹp trên đường chân trời của Moscow. Và chúng cũng nhắc nhở người Nga rằng bất kể thời điểm nào, những truyền thuyết – giống như bản thân các tòa nhà, vẫn tồn tại.
Theo vietnamnet.vn