Sau cuộc thử nghiệm loại tên lửa hoạt động bằng nhiên liệu hạt nhân mới vào cuối năm 2017, ngày 1/3/2018, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, loại tên lửa mới này của Nga có thể vươn tới mọi địa điểm trên thế giới. Tuyên bố trên của Tổng thống Putin được đưa ra trong Thông điệp liên bang 2018.
Theo đó, Nga đang phát triển đầu đạn hạt nhân nhỏ có thể lắp vào tên lửa hành trình, các hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ rất khó để có thể đánh chặn tên lửa của Nga. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết, Moskva đang thử nghiệm các thiết bị không người lái dưới nước mới có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Tổng thống Putin cũng tiết lộ, các vũ khí chiến lược mới đang được phát triển, song sẽ không sử dụng quỹ đạo đường đạn như tên lửa đạn đạo.
Nga cũng phát triển hệ thống vũ khí siêu thanh mới và đã được triển khai tại miền nam nước này từ ngày 1/12/2017. Mục đích khi Nga chế tạo các hệ thống phòng thủ mới là để đối phó với động thái triển khai lực lượng của Mỹ.
Tổng thống Putin tiết lộ, tất cả các đề xuất cùng phối hợp làm việc của Nga đã bị phía Mỹ bác bỏ. Cụ thể, Moskva từng cố thuyết phục Washington không vi phạm hiệp ước về phòng thủ tên lửa, song không thành công.
Ông nêu rõ: “Cả thế giới giờ đã biết tên gọi của các vũ khí hiện đại của Nga“, qua đó Nga đã lấp được khoảng trống thời hậu Liên Xô trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa. Ông cho biết các lực lượng vũ trang Nga đã phê chuẩn 300 thiết bị quân sự mới trong vòng 6 năm qua.
Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Putin đã tái khẳng định cam kết của Nga tiếp tục phát triển cơ sở khoa học, vận tải và quân sự tại Bắc Cực. Ông nhấn mạnh: “Hạm đội Phương Bắc đã, đang và sẽ là hạm đội mạnh nhất thế giới“.
Hiện nay một trong những vũ khí mạnh nhất thế giới Nga đang sở hữu đó chính là tên lửa RS-28 Sarmat. Đây là ICBM hạng nặng, được cho là có thể vượt qua được các hệ thống phòng không tốt tân nhất hiện nay, đồng thời có đủ sức hủy diệt cả một vùng lãnh thổ rộng bằng bang Texas của Mỹ.
RS-28 Sarmat ra đời nhằm thay thế cho R-36 Voevoda đã được Nga sử dụng từ những năm 1970. Tên lửa này có thể mang theo 10 đầu đạn lớn, 16 đầu đạn nhỏ theo cấu hình kết hợp giữa đầu đạn tấn công và đầu đạn chim mồi. Nhiều nhà quan sát quân sự cho rằng, Nga cũng trang bị cho Sarmat 24 đầu đạn siêu thanh Yu-74.
Nếu mỗi đầu đạn mà Sarmat mang theo có sức công phá 750 kiloton, sức công phá của nó sẽ đạt gấp hơn 400 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ từng ném xuống Nhật Bản vào năm 1945.
Nga khẳng định Sarmat đủ sức tấn công mọi mục tiêu trên thế giới với khả năng phóng qua được cả Bắc Cực và Nam Cực, đồng thời sử dụng nhiều công nghệ để vượt qua các hệ thống phòng không.
Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), đến năm 2020 loại tên lửa mới này của Nga sẽ được triển khai vào 50 hầm phóng cố định.
Theo Baonga.com