Khoa học - Công nghệ

Vải chứa bạc có thể diệt vi khuẩn trong 10 phút

Với khả năng tiêu diệt vi khuẩn, bạc đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các vật liệu chống khuẩn và hiện đã được ứng dụng khá phổ biến như lớp phủ bàn phím, hệ thống lọc nước, trên máy giặt và tủ lạnh.

Khả năng kháng khuẩn của bạc tiếp tục được khai thác bởi một nhóm nghiên cứu đến từ đại học RMIT (Úc). Dưới sự hợp tác cùng các nhà khoa học tại CSIRO, RMIT đã phát triển một loại vải chống khuẩn với khả năng tiêu diệt vi khuẩn E. coli và các loại vi khuẩn lây nhiễm khác sau 10 phút tiếp xúc.

Loại vải này được phát triển bằng cách nhúng một bộ sợi nano có chứa bạc-tetracyanoquinodimethane (Ag-TCNQ) vào một thớ vải cotton. Sau khi được phủ trong một dung dịch bạc, các chuỗi sợi nano bắt đầu giải phóng ion bạc để tiêu diệt vi khuẩn khi “chạm trán”.

Vipul Bansal – phó giáo sư tại trường khoa học ứng dụng thuộc RMIT, lãnh đạo nhóm nghiên cứu cho biết: “Vải có thể được chế tạo từ hầu hết các vật liệu như cotton hoặc nylon. Từ bước tiếp cận đơn giản này, chúng tôi đã tạo ra một chiếc áo ngắn tay và ngâm nó vào dung dịch bạc dưới các điều kiện có kiểm soát để kích hoạt các sợi nano. Chiếc áo sau đó đã tiêu diệt các vi khuẩn trong vòng 10 phút sau khi tiếp xúc”.

Ngoài phản ứng nhanh tự nhiên của vải, Bansal cũng nhấn mạnh rằng độ bền của nó là một ưu điểm tiềm năng so với các loại vải kháng khuẩn khác. Ông nói: “Trong phương pháp của chúng tôi, các sợi nano được hòa tan từ từ và điều này kéo dài tuổi thọ của vật liệu. Qua nghiên cứu, chúng tôi đã quan sát được rằng sau khi vải được nhúng vào dung dịch, các ion bạc chịu trách nhiệm tiêu diệt vi khuẩn vẫn được giải phóng sau 5 ngày”.

Bansal cho rằng, các vật liệu này nắm giữ tiềm năng rất lớn để giảm thiểu khả năng lây nhiễm tại bệnh viện thông qua các ứng dụng như vải lanh chống khuẩn trải giường và tạp dề phẫu thuật. Ngoài ra, vật liệu cũng có thể được dùng để tạo ra vải và băng kháng khuẩn với khả năng tiêu diệt vi khuẩn trong vết thương, giúp vết thương mau lành hơn.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu sẽ chuyển sự chú ý sang thiết lập một môi trường bệnh viện an toàn với vật liệu kháng khuẩn. “Chúng tôi đã tạo ra các sợi nano gây độc cho vi khuẩn và trong giai đoạn tiếp theo, nó sẽ được thử nghiệm độc tố đối với các tế bào con người”. Nghiên cứu của đại học RMIT đã vừa được đăng tải trên tạp chí Advanced Functional Materials.

Theo Tinh Tế