Tin tức

Cuộc đời ‘Nữ hoàng bầu trời’ của không quân Anh trong Thế chiến II

Nữ phi công Ellis đã đưa hàng nghìn chiếc tiêm kích, oanh tạc cơ ra tiền tuyến, góp phần vào chiến thắng trước phát xít Đức. 

Mary Ellis, nữ phi công quân sự cuối cùng từng tham gia vào cuộc chiến tranh đánh bại phát xít Đức trong Thế chiến II, vừa qua đời ở tuổi 101, để lại niềm tiếc thương cho rất nhiều người về một biểu tượng từng được mệnh danh là “Nữ hoàng bầu trời” của nước Anh, theo Telegraph.

Ellis, tên thời con gái là Mary Wilkins, sinh năm 1917 ở Oxfordshire, đông nam nước Anh và lớn lên gần các căn cứ của lực lượng không quân Hoàng gia Anh (RAF). “Ngay từ bé, tôi đã đam mê những thứ nhanh và nguy hiểm”, bà viết trong cuốn hồi ký “A Spitfire Girl” của mình. “Tôi luôn biết rằng mình sẽ bay”.

Khi Ellis mới 8 tuổi, cô bé đã được bố đưa lên một chiếc máy bay hai tầng cánh Havilland Moth để thực hiện chuyến bay đầu tiên trong đời. Đến năm 21 tuổi, Ellis thi đỗ bằng lái phi công dân sự sau nhiều năm tập bay.

Năm 1939, Thế chiến II bùng nổ, không quân Anh chịu nhiều bất lợi trước lực lượng không quân hiện đại và đông đảo của phát xít Đức. Rất nhiều phi công của Anh bị bắn hạ trong các trận không chiến, khiến RAF thiếu hụt phi công trầm trọng. Tình thế buộc RAF phải phát thông điệp trên sóng phát thanh, kêu gọi phụ nữ nước này gia nhập lực lượng không quân để hỗ trợ cho tiền tuyến.

Nghe thấy lời kêu gọi này, Ellis lập tức đăng ký nhập ngũ và trở thành một trong 166 nữ phi công được biên chế vào đơn vị Hỗ trợ Vận tải Đường không (ATA), có nhiệm vụ lái những chiếc tiêm kích, oanh tạc cơ từ nhà máy ra chiến trường để bàn giao cho các phi công chiến đấu.

Những nữ phi công như Ellis được gọi là “Bông hồng ATA” và sự xuất hiện của các cô trong buồng lái máy bay khiến nhiều nam phi công Anh kinh ngạc. Khi Ellis hạ cánh một chiếc oanh tạc cơ Wellington xuống căn cứ, các binh sĩ ở đây không tin rằng chính cô đã điều khiển máy bay.

“Họ đã vào trong chiếc oanh tạc cơ và tìm kiếm xem có nam phi công nào nấp bên trong không. Mọi người đều ngỡ ngàng khi chứng kiến một cô gái nhỏ bé như tôi lại có thể tự mình điều khiển chiếc máy bay lớn đến vậy”, Ellis kể trong hồi ký.

Trong suốt thời gian phục vụ tại ATA, Ellis đã điều khiển 76 máy bay các loại, vận chuyển hơn 1.000 tiêm kích Spitfire và oanh tạc cơ Wellington ra tiền tuyến. Công việc của Ellis tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất lại rất nguy hiểm và thử thách, khi nhiều lần đối mặt với hỏa lực của kẻ thù hay phải điều khiển những chiếc máy bay mới, thậm chí là phi cơ bị hư hỏng.

Các nữ phi công trong đơn vị ATA. Ảnh: Archive.

Các nữ phi công trong đơn vị ATA. Ảnh: Archive.

“Chúng tôi rất phấn khích mỗi khi được điều khiển một loại máy bay mới, nhưng điều đó cũng đáng sợ bởi các loại máy bay có thiết kế khác nhau. Nhiều lúc vừa ra khỏi một tiêm kích Tiger Moth, bạn lập tức chui vào một oanh tạc cơ Wellington, sau đó lại điều khiển chiến đấu cơ Spitfire”, bà nhớ lại.

Máy bay của Ellis từng bị bắn khi bay qua bầu trời Bournemouth ở phía nam nước Anh và hai lần phải cho phi cơ hạ cánh khẩn cấp bằng cách trượt bụng trên đường băng.

Trong số những phi cơ từng điều khiển, Ellis thích nhất là tiêm kích Spitfire, loại chiến đấu cơ mà khả năng cơ động của nó đã góp phần giúp Anh giành chiến thắng trước không quân Đức.

“Đó là chiếc máy bay mà ai cũng mê”, bà nói trong tiệc sinh nhật lần thứ 100 năm ngoái. “Ngày đầu tiên đặt chân lên một chiếc tiêm kích Spitfire, tôi sung sướng đến ngất ngây và nhận thấy nó dường như sinh là là dành cho tôi”.

“Khi đến nhà máy nhận chiếc Spitfire đầu tiên, kỹ thuật viên chuẩn bị dù cho tôi hỏi rằng tôi đã từng điều khiển tiêm kích này lần nào chưa”, Ellis kể lại. “Tôi trả lời rằng chưa, đây là chiếc đầu tiên tôi lái. Nghe xong, ông ấy gần như rơi khỏi máy bay”.

Ngoài thời gian phục vụ chiến đấu căng thẳng, Ellis cùng các nữ phi công trong đội ATA sống tập trung tại doanh trại ở Hamble, Hampshire. “Chúng tôi có rất nhiều bạn trai. Thời điểm đó, không hiểu sao chúng tôi được gọi là ‘những cô gái quyến rũ’. Kết quả là lúc nào cũng có nhiều vệ tinh vây quanh”, Ellis kể.

Sau chiến tranh, Ellis chuyển tới sống ở đảo Wight ở miền nam nước Anh và điều hành một sân bay nhỏ. Bà kết hôn với phi công Don Ellis vào năm 1961 và sống cùng nhau trong một căn nhà cạnh đường băng. Chồng bà qua đời vào năm 2009.

Ellis bên một chiếc tiêm kích Spitfire bà từng điều khiển. Ảnh: CNN.

Ellis bên một chiếc tiêm kích Spitfire bà từng điều khiển. Ảnh: CNN.

Ellis đã sống cuộc đời sôi nổi cho đến những ngày cuối cùng, từng tới dự tiệc tại Văn phòng Thủ tướng Anh ở số 10 phố Downing hồi tháng 5 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập không quân Hoàng gia Anh.

“Thật là một mất mát lớn lao, bởi bà là niềm cảm hứng cho nhiều thế hệ”, tư lệnh RAF Stephen Hillier hôm 25/7 viết trên Twitter sau khi được tin Ellis qua đời. “Một quý bà thực sự đáng nể, một người khổng lồ nữa lại rời bỏ chúng ta để đến với đồng đội cũ trên bầu trời xanh”, nhà văn John Nichol viết.

Theo VNE