Thể thao

Zinedine Zidane và bệnh của thiên tài

Với Zidane, ông là thiên thần nhưng cũng là quỷ dữ. Bởi vì ông là một thiên tài. Và khi đã là thiên tài, dĩ nhiên có những “biểu hiện thiên tài”.

Lịch sử Champions League gọi tên, Real Madrid lần thứ 12 đăng quang ngôi vô địch

Real xóa ‘lời nguyền’, trở thành đội đầu tiên bảo vệ được Champions League

“Không ai biết Zidane là thiên thần hay ác quỷ. Khi cười, anh ta giống như Đức mẹ Teresa. Còn khi giận dữ, trông chả khác gì một tên giết người hàng loạt”, Jean-Louis Muray, nhà sản xuất âm nhạc người Pháp nói về cựu danh thủ đồng hương.

Trong nghĩa thiên thần, tất cả đã thấy, Zizou mang đến sự thanh lịch cho một trò chơi vốn tôn vinh sức mạnh thể chất. Khi còn là cầu thủ, anh ta có thể làm mọi thứ với quả bóng, thao túng trận đấu với đôi chân ma thuật và trí tuệ tuyệt đỉnh. Chỉ cần có Zizou, mọi cầu thủ đều trở nên nổi bật và đội bóng bình thường cũng có thể giành chiến thắng.

Nhưng Zidane cũng đầy rẫy tiêu cực. Anh ta kết thúc sự nghiệp với 14 thẻ đỏ, nhiều hơn bất kỳ người nào khác trong ngôi đền huyền thoại, gồm Michel Platini, Alfredo Di Stefano, George Best, Garrincha, Franz Beckenbauer, Diego Maradona, Johan Cruyff và Pele. Cho đến nay, cú “thiết đầu công” của Zizou với Marco Materazzi vẫn còn bị lôi ra đàm tiếu.

Vậy rốt cuộc, Zidane là ai, thiên thần hay ác quỷ? Xét một cách tổng thể, trong con người huyền thoại 44 tuổi chứa đựng cả hai. Vì trước hết, anh ta là một thiên tài.

Hầu như không bao giờ có một thiên tài hoàn mỹ. Nhà toán học John Nash có tiền sử tâm thần phân liệt, danh họa Vincent van Gogh tự tử vì trầm cảm, nhà văn Edgar Allen Poe cùng nhà phát minh Issac Newton mắc chứng rối loạn lưỡng cực và đến Albert Einstein vĩ đại còn bị gọi là “Thằng đần” khi còn nhỏ.

Zidane dĩ nhiên có chung đặc điểm này: sở hữu khả năng phi thường ở lĩnh vực của mình đồng thời với khiếm khuyết trong cách hành xử, bất chấp tất cả để biến thành một kẻ hung hãn và thô bạo. Một khi Zizou đã nổi điên, danh tiếng, tương lai và đội bóng bỗng chốc thu nhỏ lại trong tấm thẻ đỏ.

Tuy vậy, không vì thế mà tài năng của Zidane bị đánh giá thấp. Trong một cuộc trò chuyện với truyền thông Italy, Michel Platini tuyên bố “nếu Roberto Baggio được coi là Raffael (danh họa người Ý), thì Zidane phải là Delacroix (danh họa người Pháp).

Eugene Delacroix là một họa sĩ nổi tiếng theo trường phái lãng mạn ở thế kỷ 19. Ông ta từng nói: “Một tài năng có thể làm mọi thứ. Còn thiên tài, họ chỉ làm những gì mình thích”. Cũng Delacroix lại nói: “Trước khi hoàn thành kiệt tác, cần phá phách một chút”.

Zidane là thiên tài, và một nghệ sĩ. Anh không cần đi theo một khuôn mẫu nào nhất định mà được phép để tâm hồn tự do, theo đuổi những ý tưởng phi phàm, sau đó tạo nên các khoảnh khắc diệu kỳ.

Vào bây giờ, khi là một HLV, không ai có thể nắm bắt được Zidane. Ông hiếm khi nói về chiến thuật nhưng Real có thể chơi thoải mái với nhiều sơ đồ khác nhau, từ 4-3-3, 4-2-3-1, 4-4-2, 4-3-1-2 và cả 3-5-2. Ông cũng rất nhiều lần đưa ra các quyết định kỳ lạ về nhân sự, dùng người này, bỏ người kia và thậm chí dùng nguyên đội hình B. Bằng cách nào đó, Real của Zizou vẫn giành chiến thắng.

Đừng bao giờ cố gắng mổ xẻ một thiên tài, bởi họ có những giác quan tinh tế để nhận biết những gì phần còn lại của thế giới không thể, hoặc theo một cách hoàn toàn khác. Tất nhiên, trong trường hợp Zidane giúp Real trở thành đội bóng đầu tiên bảo vệ thành công ngôi vô địch Champions League, đừng nói ông ta là “ác quỷ may mắn”. Với thiên tài, hãy nhìn vào kết quả chứ đừng xem xét quá trình – bởi nó luôn có những khiếm khuyết.

Với tỷ lệ thắng 74,42 %, Zidane đang là HLV thành công thứ 3 trong lịch sử Real, chỉ kém một chút so với Pellegrini (75%) và Carlo Ancelotti (74,79%). Tuy nhiên, ông lại nhỉnh hơn 2 người kia về mặt danh hiệu khi giành 1 Champions League và 1 La Liga chỉ trong 1 năm rưỡi.