Tin tức

Vụ thử nghiệm giúp Liên Xô phá thế độc quyền bom nhiệt hạch của Mỹ

Quả bom RDS-6 được Liên Xô kích nổ thành công ở bãi thử bí mật năm 1953, chấm dứt ưu thế độc quyền của Mỹ với vũ khí nhiệt hạch.

Ngày 12/8/1953, Liên Xô kích nổ quả bom nhiệt hạch RDS-6 với sức mạnh tương đương 400.000 tấn thuốc nổ TNT. Trước đó 4 ngày, lãnh đạo Liên Xô Georgy Malenkov tuyên bố thế độc quyền về bom nhiệt hạch của Mỹ, vốn được thiết lập từ ngày 1/11/1952, đã bị phá vỡ.

Vụ thử diễn ra thành công, giúp Liên Xô đạt sự cân bằng chiến lược với Mỹ, đồng thời tạo tiền đề cho công cuộc du hành vũ trụ của con người sau này, theo Sputnik.

Quả bom được phía Mỹ đặt biệt danh “Joe-4”, còn định danh chính thức do Liên Xô đưa ra là “Động cơ phản lực đặc biệt” để bảo đảm bí mật. Cuộc thử nghiệm được chuẩn bị dưới sự chỉ đạo của các nhà khoa học nguyên tử Yulii Khariton và Andrei Sakharov.

RDS-6 ứng dụng thiết kế “Sloika”, đặt theo tên một loại bánh ngọt nhiều lớp của Nga. Lõi quả bom gồm nhiều lớp nhiên liệu phân hạch urani-238 và nhiệt hạch lithi-6 deuteride nằm xen kẽ nhau, bên ngoài được bọc các khối thuốc nổ để kích hoạt phản ứng phân hạch sơ cấp.

Sức nổ của RDS-6 kém hơn nhiều so với vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên mang tên mã “Ivy Mike” của Mỹ, vốn mạnh tương đương 10,4 triệu tấn TNT. Tuy nhiên, quả bom Ivy Mike nặng tới 54 tấn và không thể gắn lên oanh tạc cơ. Trong khi đó, RDS-6 chỉ nặng 7 tấn và có thể trang bị cho máy bay ném bom chiến lược Tu-16.

Cuộc thử nghiệm RDS-6 diễn ra ở bãi thử Semipalatinsk rộng 18.000 km vuông tại Kazakhstan. Các nhà khoa học đã lắp đặt 1.300 thiết bị đo đạc, cùng nhiều máy quay các loại ở khắp bãi thử này. Hàng chục khí tài quân sự cùng một thành phố giả cũng được dựng lên, nhằm đánh giá sức công phá của quả bom. RDS-6 được đặt trên tháp cao 40 m và thả xuống đất để kích nổ.

Bãi thử Semipalatinsk (màu da cam) ở Kazakhstan. Đồ họa: Sputnik.

7h30 sáng 12/8/1953, RDS-6 được kích nổ, tạo ra chùm sáng có thể thấy từ khoảng cách 100 km, trong khi tiếng nổ có thể được nghe thấy từ cách hàng trăm km. Đám mây hình nấm sinh ra sau vụ nổ có đường kính tới một km. Phần lớn công trình trong bán kính 4 km đều bị san phẳng trong nháy mắt, số còn lại đều bị nhiễm xạ nặng và không thể sử dụng được.

Vụ nổ thúc đẩy quá trình thăm dò không gian

Thành công từ vụ thử bom RDS-6 mang nhiều ý nghĩa lịch sử quan trọng. Nó thay đổi tình hình địa chính trị giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới, tạo ra thế cân bằng về sức mạnh hạt nhân giữa Washington và Moskva, ngăn cản kế hoạch tấn công phủ đầu Liên Xô bằng vũ khí hạt nhân của Mỹ. Ngoài ra, RDS-6 cũng đánh dấu bước đi quan trọng trong việc phát triển ngành hàng không vũ trụ Liên Xô.

Sau cuộc thử nghiệm, Viện thiết kế Korolev được yêu cầu nghiên cứu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang đầu đạn nhân có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ. Viện trưởng Sergei Korolev và các đồng nghiệp đã thuyết phục giới lãnh đạo Liên Xô cho phép phát triển thêm phiên bản dân sự của mẫu tên lửa này.

Kết quả là sự ra đời của R-7 Semerka, mẫu ICBM đầu tiên trên thế giới, vào giữa năm 1957. Ngày 4/10/1957, phiên bản R-7 chỉnh sửa mang tên mã 8K71PS phóng vệ tinh Sputnik 1 lên vũ trụ, đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên vũ trụ cũng như cuộc chạy đua chinh phục không gian giữa Mỹ và Liên Xô.

Bản thân thiết kế R-7 trở thành nền tảng để Liên Xô phát triển nhiều mẫu tên lửa đẩy, trong đó dòng Soyuz hiện là phương tiện duy nhất trên thế giới có thể đưa các nhà du hành lên trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

 Theo VNE