Tin tức

Trùm khủng bố bin Laden qua lời kể của mẹ và hai em trai

Gần 17 năm sau vụ khủng bố 11/9, gia đình Osama bin Laden tiết lộ quá trình trưởng thành và sa vào con đường cực đoan của trùm khủng bố.

Trên chiếc ghế ở góc căn phòng rộng rãi, Alia Ghanem, mẹ của trùm khủng bố Osama bin Laden, trong trang phục hoa văn rực rỡ đang ngồi chờ buổi phỏng vấn với nhà báo Martin Chulov của Guardian. Chiếc khăn trùm đầu màu đỏ của bà phản chiếu qua mặt kính chiếc tủ, bên trong đặt khung ảnh người con trai cả giữa những đồ gia truyền của dòng họ. Bức ảnh chụp một người đàn ông râu quai nón, mặc áo khoác quân đội và đang mỉm cười, chính là bin Laden hồi trẻ.

Gia đình trùm khủng bố, một trong những gia đình giàu có nhất Arab Saudi, sống tại một biệt thự ở thành phố Jeddah, quê nhà của nhiều thế hệ trong dòng họ Bin Laden. Dòng họ này đã xây dựng nhiều công trình hiện đại cho đất nước và can thiệp sâu vào chính trị. Nơi ở của họ phản ánh sự giàu có và sức ảnh hưởng, với một cầu thang xoắn ốc giữa biệt thự dẫn tới những căn phòng rộng. Khu nhà này cũng chiếm diện tích lớn trên con phố.

Bữa tối kiểu Arab được dọn ra trên chiếc bàn gỗ lớn. Ghanem yêu cầu mọi người trong phòng tập trung. Ngồi gần bà là Ahmad và Hassan, hai em trai cùng mẹ khác cha của trùm khủng bố, cùng Mohammed al-Attas, chồng thứ hai của Ghanem và là người nuôi dưỡng cả ba anh em. Họ đều có câu chuyện riêng về bin Laden, kẻ khiến chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy trên toàn cầu.

Ghanem từ chối kể về bin Laden trong suốt hai thập kỷ hắn lãnh đạo tổ chức al-Qaeda và gây ra vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ làm cả thế giới chấn động. Nhưng giờ đây, chính phủ mới của Arab Saudi do Thái tử Mohammed bin Salman dẫn đầu đã chấp nhận yêu cầu phỏng vấn gia đình bin Laden của nhà báo Chulov. Quá khứ đen tối về bin Laden ảnh hưởng tiêu cực tới đất nước, nên giới chức hy vọng việc để gia đình trùm khủng bố lên tiếng có thể đưa ra góc nhìn mới về câu chuyện.

Với Ghanem, bin Laden vẫn là người con yêu dấu dù đã lạc lối. “Cuộc sống của tôi rất khó khăn bởi nó đã đi quá xa. Osama là một đứa trẻ rất ngoan và nó yêu tôi rất nhiều”, bà khẳng định. Người phụ nữ trong độ tuổi 70 sau đó chỉ sang al-Attas, người đàn ông gầy gò trong trang phục màu trắng. “Ông ấy đã nuôi Osama từ khi lên ba. Ông ấy là một người tốt và đối xử tử tế với con trai tôi”, Ghanem cho biết.

Trong ký ức của Ghanem, đứa con cả là một cậu bé nhút nhát và học giỏi, tới đầu những năm 20 tuổi thì trở nên mạnh mẽ, có nghị lực và ngoan đạo. Tuy nhiên, trong lúc theo học ngành kinh tế tại Đại học Nhà Vua Abdulaziz ở quê nhà, bin Laden dần trở nên cực đoan.

“Những kẻ tại trường đại học đã thay đổi nó, biến nó thành người khác”, Ghanem chia sẻ. Một trong những người bin Laden gặp tại đây là Abdullah Azzam, thành viên của Anh em Hồi giáo, tổ chức bị trục xuất khỏi Arab Saudi, sau đó trở thành cố vấn tâm linh cho trùm khủng bố.

“Nó là đứa trẻ rất ngoan cho tới khi gặp những kẻ tẩy não trong những năm đầu độ tuổi 20. Bạn có thể coi đó là một giáo phái. Chúng nhận được tiền nhờ việc này. Tôi luôn khuyên con mình tránh xa khỏi chúng, nhưng nó không bao giờ tiết lộ những điều đang làm, vì nó yêu tôi quá nhiều”, Ghanem kể lại.

Vào những năm 1980, bin Laden tới Afghanistan để chống lại sự can thiệp của Liên Xô tại nước này. “Những ai gặp anh ấy hồi đầu đều tôn trọng anh”, Hassan, em trai trùm khủng bố, kể tiếp câu chuyện. “Ban đầu, chúng tôi rất tự hào về Osama. Thậm chí chính phủ Arab Saudi cũng đối xử với anh ấy rất trang trọng. Sau đó Osama tham gia vào cuộc thánh chiến”.

Osama bin Laden tại Afghanistan vào năm 1989 trong cuộc chiến giữa nước này với Liên Xô. Ảnh: Sipa Press.

Osama bin Laden tại Afghanistan vào năm 1989 trong cuộc chiến giữa nước này với Liên Xô. Ảnh: Sipa Press.

Một khoảng lặng xuất hiện khi Hassan ngập ngừng giải thích về sự biến đổi từ người có lý tưởng thành trùm khủng bố toàn cầu. “Tôi rất tự hào về Osama với tư cách là người anh cả của tôi. Anh ấy đã dạy tôi nhiều điều. Nhưng tôi không nghĩ mình tự hào về anh ấy với tư cách một người đàn ông. Anh ấy nổi tiếng toàn cầu, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì”, Hassan chia sẻ.

Ghanem chăm chú lắng nghe và trở nên nhiệt tình hơn khi cuộc trò chuyện đề cập tới những năm đầu đời của bin Laden. “Osama rất thẳng thắn và học rất giỏi. Thằng bé thực sự thích học”, bà kể lại. Ghanem chưa bao giờ nghĩ con trai mình sẽ trở thành một phiến quân Hồi giáo. Khi điều này trở thành hiện thực, gia đình đã vô cùng suy sụp. “Tôi không muốn điều này xảy ra. Tại sao nó lại vứt bỏ tất cả như thế?”, bà bày tỏ.

Gia đình cho biết họ gặp bin Laden lần cuối vào năm 1999 tại sào huyệt của hắn ở ngoại ô thành phố Kandahar, Afghanistan, và là lần thăm thứ hai trong năm. “Osama rất hạnh phúc khi gặp chúng tôi và xuất hiện mỗi ngày trong thời gian chúng tôi ở đó. Chúng tôi đã mở tiệc và mời mọi người”, Ghanem kể lại.

Giữa buổi phỏng vấn, trong lúc Ghanem đi nghỉ tại căn phòng gần đó, hai người em cùng mẹ khác cha của bin Laden tiếp tục cuộc trò chuyện. Họ lưu ý rằng mẹ mình hiếm khi là một nhân chứng khách quan. “Đã 17 năm kể từ ngày 11/9, nhưng bà ấy vẫn chối bỏ những điều về Osama”, Ahmad tiết lộ. “Bà ấy yêu anh tôi rất nhiều và không trách anh ấy. Thay vào đó, bà đổ lỗi cho những người xung quanh anh. Bà ấy chỉ nhìn vào mặt tốt mà không chịu hiểu về khía cạnh khủng bố”.

Em trai bin Laden cho biết ông đã sốc và choáng váng khi nghe tin về vụ khủng bố kinh hoàng ở New York. “Đó là cảm giác rất lạ lùng. Từ đầu chúng tôi đã biết rằng đó là Osama, chỉ trong vòng 48 giờ đầu. Từ người trẻ đến người già trong nhà đều thấy xấu hổ về anh ấy. Chúng tôi biết rằng mình sẽ phải đối mặt với những hậu quả khủng khiếp. Thân nhân của chúng tôi ở nước ngoài đều quay về Arab Saudi”, Ahmad kể lại.

Gia đình bin Laden bị cấm di chuyển sau vụ khủng bố. Họ đều bị chính quyền thẩm vấn và cấm xuất cảnh. Sau gần hai thập kỷ, gia đình này mới có thể đi lại tương đối tự do trong và ngoài nước.

Bin Laden bị đặc nhiệm SEAL Mỹ tiêu diệt vào tháng 5/2011 tại thành phố Abbottabad, Pakistan, trong một chiến dịch được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Osama bin Laden (thứ hai từ bên phải) trong chuyến thăm thành phố Falun, Thụy Điển vào năm 1971. Ảnh: Camera Press.

Osama bin Laden (thứ hai từ bên phải) trong chuyến thăm thành phố Falun, Thụy Điển vào năm 1971. Ảnh: Camera Press.

Những hậu quả để lại

Giai đoạn hình thành tính cách của bin Laden là những năm 1970, thời điểm tương đối tự do, trước khi Cách mạng Hồi giáo Iran xảy ra vào năm 1979, nhằm truyền bá dòng Hồi giáo Shia vào thế giới của người Sunni. Kể từ đó, giới chức Arab Saudi đã đưa ra cách diễn giải cứng nhắc với Sunni, dòng Hồi giáo với đông đảo tín đồ khắp bán đảo Arab.

Sự kiềm chế quyền lực lẫn nhau trong vương quốc giữa chính quyền và các giáo sĩ dòng Sunni là nguồn gốc của sự bảo thủ trong xã hội, gây ra tình trạng bất bình đẳng giới, không chấp nhận các đức tin khác và trung thành với giáo lý được dạy. Nhiều người tin rằng điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.

Trong thế kỷ 18, giáo sĩ Muhammed ibn Abdul Wahhab đã lập ra chủ nghĩa Wahhabi, một nhánh có tư tưởng cực đoan của dòng Sunni. Thế giới quan của al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phần lớn được định hình dựa theo chủ nghĩa này. Các giáo sĩ dòng Sunni tại Arab Saudi bị cáo buộc kích động phong trào thánh chiến phát triển trong suốt những năm 1990 mà trung tâm là bin Laden.

Hậu quả bin Laden gây ra vẫn là một trong những vấn đề nan giải của Arab Saudi. Hoàng tử Turki al-Faisal, giám đốc tình báo nước này từ năm 1977 tới 2001, từng trao đổi với bin Laden sau khi trùm khủng bố rời Afghanistan tới Sudan và dần rời xa quê hương. Tuy nhiên, vụ khủng bố 11/9 khiến những cuộc gặp như vậy bị nghi ngờ. Tới nay gia đình các nạn nhân vẫn cho rằng Arab Saudi phải chịu trách nhiệm với hậu quả.

Turki tiết lộ trước khi vụ khủng bố diễn ra, cơ quan tình báo của ông biết rằng đang có một kế hoạch lớn. “Mùa hè năm 2001, tôi nhận được một trong những cảnh bảo về điều gì đó khủng khiếp sắp xảy ra với người Mỹ, Anh, Pháp và Arab. Chúng tôi không rõ địa điểm mà chỉ biết thứ gì đó đang được chế tạo”, Hoàng tử cho biết.

Chính phủ mới hiện nay của Arab Saudi đang tiến hành phương pháp cải cách “đạo Hồi ôn hòa” nhằm thay đổi đáng kể bộ mặt đất nước. Thái tử bin Salman đánh giá điều này cần thiết cho sự sống còn của đất nước, nơi phần lớn thanh niên ít tiếp xúc với cuộc sống xã hội và không có nhiều tự do cá nhân. Chính phủ cho rằng các tiêu chuẩn xã hội cứng nhắc do các giáo sĩ tạo ra sẽ trở thành động cơ cho những kẻ cực đoan.

Cuộc cải cách được tiến hành trên nhiều khía cạnh xã hội, điển hình là việc dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe hồi tháng 6. Thị trường lao động và văn hóa nơi công cộng cũng thay đổi. Chính phủ còn tiến hành chống tham nhũng trong các lĩnh vực tư nhân và một phần nhà nước, đồng thời tuyên bố ngừng viện trợ cho các tổ chức Wahhabi bên ngoài lãnh thổ.

Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman tham dự buổi họp báo tại điện Elysee ở Paris, Pháp hôm 10/4. Ảnh: Reuters.

Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman tham dự buổi họp báo tại điện Elysee ở Paris, Pháp hôm 10/4. Ảnh: Reuters.

Hiện bin Laden vẫn nổi tiếng ở một số vùng trên đất nước và được ca ngợi, nhưng khó có thể đánh giá mức độ ủng hộ. Trong khi đó, gia đình của trùm khủng bố đã được phép trở về quê hương. Ít nhất hai người vợ và con của họ đang sống tại Jeddah.

“Chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với Mohammed bin Nayef  (thái tử bị phế truất). Ông ấy đã cho phép vợ con Osama quay lại”, Admad cho biết. Họ sống gần biệt thự nhà bin Laden, được tự do đi lại trong thành phố, nhưng không được xuất cảnh.

Hamza, con trai út của bin Laden, được cho là đang ở Afghanistan và bị chính phủ Mỹ tuyên bố là một “khủng bố toàn cầu”. Người đàn ông 29 tuổi này có dấu hiệu sẽ tiếp nối cha mình dưới sự bảo trợ của Ayman al-Zawahiri, thủ lĩnh mới của al-Qaeda.

“Hamza từng nói sẽ trả thù cho cha, nhưng tôi không muốn phải vượt qua chuyện này thêm lần nữa. Nếu Hamza đứng trước mặt tôi bây giờ, tôi sẽ khuyên cháu nghĩ kỹ về hành động và đừng đi vào vết xe đổ của cha mình”, Hassan cho biết.

Những hành vi ngày càng quá khích của Hamza có thể hủy hoại nỗ lực thoát khỏi quá khứ của gia đình bin Laden, đồng thời cản trở quá trình thiết lập kỷ nguyên mới của Thái tử bin Salman.

“Nếu Salman không vượt qua được, sẽ có thêm nhiều Osama bin Laden khác. Tôi không chắc liệu họ có thể phá bỏ lời nguyền hay không”, một quan chức tình báo Anh cho biết.

Theo VNE