Tin tức

Lo ngại về an ninh sân bay Mỹ sau vụ cướp máy bay tự sát

Việc Russell tự ý điều khiển máy bay cất cánh để tự sát làm dấy lên quan ngại về lỗ hổng trong quy trình an ninh ở sân bay Mỹ

Nước Mỹ cuối tuần qua rúng động khi một nhân viên kỹ thuật mặt đất 29 tuổi đánh cắp chiếc máy bay dân dụng 76 chỗ ngồi, thực hiện các vòng nhào lộn nguy hiểm trên bầu trời rồi đâm xuống một hòn đảo nhỏ để tự sát, bất chấp nỗ lực thuyết phục hạ cánh của cơ quan kiểm soát không lưu và cả không quân Mỹ.

Vụ đâm máy bay tự sát này chỉ khiến Richard Russell thiệt mạng, không gây bất cứ thiệt hại nào cho công trình và con người dưới mặt đất, nhưng nó làm dấy lên nỗi lo ngại về các lỗ hổng trong hệ thống an ninh hàng không Mỹ, khi một nhân viên kỹ thuật mặt đất tại một sân bay quốc tế lớn lại có thể điều khiển một chiếc máy bay tung hoành trên bầu trời suốt hơn một tiếng đồng hồ, theo Washington Post.

Theo bình luận viên Clive Irving của Daily Beast, kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001, nước Mỹ chưa từng chứng kiến vụ cướp máy bay nào tương tự những gì đã diễn ra tại sân bay Seattle – Tacoma, bang Washington hôm 10/8. Cũng chưa từng có chiếc máy bay chở khách nào đậu ở khu bảo dưỡng của sân bay lại bị đánh cắp, kéo ra đường băng và cất cánh trái phép ngay trước sự chứng kiến của nhân viên kiểm soát không lưu.

Brad Tilden, tổng giám đốc hãng hàng không Alaska, cho biết Russell là nhân viên kỹ thuật mang đồng phục và có thẻ hoạt động trong các khu vực được bảo vệ của sân bay, cũng như có quyền tiếp cận các máy bay đậu ở khu bảo dưỡng.

“Cửa máy bay không có khóa báo động như ôtô. Những nhân viên có thẻ này được phép lên máy bay, đó là cách ngành hàng không Mỹ vận hành. Cơ chế của ngành hàng không Mỹ là bảo vệ an ninh cho toàn sân bay, chứ không phải từng máy bay”, ông nói.

Russell là nhân viên kỹ thuật mặt đất, được quyền tiếp cận phi cơ tại sân bay. Ảnh: CBS.

Russell là nhân viên kỹ thuật mặt đất, được quyền tiếp cận phi cơ tại sân bay. Ảnh: CBS.

Theo chuyên gia phân tích hàng không Justin Green của CNN, chính cơ chế vận hành này của sân bay Mỹ là “một vấn đề lớn” và vụ cướp máy bay tự sát của Russell cần được xem xét như một bài học đắt giá cho công tác an ninh của ngành hàng không Mỹ.

Green cho rằng để cất cánh được chiếc Bombardier Q400 đậu ở khu bảo dưỡng, Russell đã vi phạm nhiều quy trình vận hành. Lẽ ra anh ta không được phép vào buồng lái máy bay một mình mà không ai để ý, cũng không được kéo máy bay ra đường băng bởi quy trình vận hành đòi hỏi phải có hai người để làm việc này.

“Thực tế là anh ta ở đó một mình, kéo chiếc máy bay ra một mình, rồi sau đó di chuyển xe kéo để có thể lên máy bay và khởi động. Tất cả những điều đó diễn ra mà không ai dưới mặt đất hay biết, việc này khiến tôi cảm thấy thật kỳ lạ”, David Soucie, cựu thanh tra an toàn của Cục Hàng không Liên bang Mỹ, nhận xét.

Không thể ngăn chặn

Irving thì cho rằng một lỗ hổng nữa trong quy trình an ninh của các sân bay Mỹ thể hiện qua vụ cướp máy bay tự sát này là kiểm soát viên không lưu gần như không thể ngăn chặn được một chiếc máy bay cất cánh sau khi nó đã nổ máy chạy trên đường băng.

Theo ông, đây là điều rất đáng báo động, bởi phi cơ Q400 có kích thước chưa bằng một nửa so với các máy bay dân dụng bị cướp trong vụ khủng bố 11/9, nhưng nó chứa rất nhiều xăng và vẫn có thể trở thành một quả “bom bay” đâm vào bất cứ tòa nhà cao tầng nào ở thành phố Seattle đông đúc.

Seattle Times cho biết kiểm soát viên không lưu tại sân bay Seatlle – Tacoma phát hiện chiếc máy bay tự ý lăn ra đường băng lúc 19h30, trong lúc một máy bay khác của Alaska Airlines đang chuẩn bị cất cánh. Phi công của Alaska Airlines phải phanh khựng lại, trong khi kiểm soát viên không lưu ba lần liên tiếp yêu cầu người điều khiển chiếc Q400 nêu danh tính, nhưng không được phản hồi. Chiếc phi cơ cánh quạt sau đó tăng tốc và cất cánh mà không ai biết rõ đó có phải là một âm mưu khủng bố hay không.

Rất may đây không phải là một khủng bố, nhưng điều khiến mọi người cảm thấy khó hiểu là tại sao một nhân viên kỹ thuật mặt đất như Russell lại có thể lái chiếc máy bay với nhiều hệ thống điều khiển phức tạp và thực hiện các động tác cơ động nguy hiểm như vậy.

Vị trí máy bay lao xuống và sân bay Seattle-Tacoma. Đồ họa: Google.

Vị trí máy bay lao xuống và sân bay Seattle-Tacoma. Đồ họa: Google.

Các nhân viên kỹ thuật mặt đất như Russell chỉ xử lý các công đoạn trên mặt đất của phi cơ, như lái xe kéo, bốc dỡ hành lý, rã băng cho máy bay, không đòi hỏi kỹ năng điều khiển máy bay. Nhưng Russell bằng cách nào đó đã có được những kiến thức đáng kể về hàng không, đủ tự tin để thực hiện các vòng lượn phức tạp. Nếu anh ta là một kẻ khủng bố, Russell hoàn toàn có thể lao máy bay thẳng vào một tòa nhà cao tầng.

“Anh ta có kỹ năng bay rất đáng nể, không chỉ là một thợ máy tầm thường”, một phi công chuyên nghiệp nhận xét về cách điều khiển máy bay của Russell. “Cú lượn vòng và bay lộn ngược của anh ta được thực hiện rất tốt mà không khiến máy bay gãy rời cánh hay thất tốc”.

Trong hơn một giờ sau đó, kiểm soát không lưu và phi công tiêm kích F-15 Mỹ nỗ lực tìm hiểu động cơ đánh cắp máy bay của Russell và thuyết phục anh ta hạ cánh, nhưng vô vọng. Russell có những lúc tỏ ra rất tự tin với kỹ năng điều khiển máy bay của mình, như một phi công thực thụ. “Tôi sẽ thực hiện một cú xoay vòng và nếu thành công, tôi sẽ chúc đầu xuống và gọi đây là một đêm tuyệt vời”, anh ta nói với kiểm soát viên không lưu, trước khi thông báo về trục trặc của một động cơ và đâm xuống một hòn đảo nhỏ.

Giới phân tích cho rằng động cơ thực hiện hành động đánh cắp máy bay chưa từng có tiền lệ của Russell có thể nhằm thỏa khát khao bay lượn trên chiếc phi cơ mà anh ta hàng ngày được tiếp xúc. Khao khát đó có thể là một dạng bệnh lý tâm thần mà các quy trình an ninh sân bay hiện nay không thể phát hiện hay ngăn chặn, đặc biệt là đối với các kỹ thuật viên sân bay.

Sau vụ cơ phó Andreas Lubitz khóa chặt buồng lái và cố tình điều khiển chiếc Airbus A320 của hãng hàng không Germanwings đâm vào núi năm 2015 để tự sát và giết chết 144 hành khách cùng 6 thành viên tổ bay, các hãng hàng không nhận ra rằng các cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ của họ không thể phát hiện thay đổi trong tâm lý của phi công, nhất là khi hồ sơ y tế của họ được bảo mật theo quy định về quyền riêng tư.

Hành động của Russell được nhà chức trách Mỹ đánh giá là một vụ tự sát đơn độc, nhưng điều đáng báo động là không ai ở sân bay nhận ra ý định của anh ta cũng như có các biện pháp kịp thời để ngăn chặn, dù việc đưa chiếc máy bay cất cánh đòi hỏi nhiều công đoạn phức tạp.

“Điều cần được điều tra khẩn cấp ở đây là sự lơ là trong quy trình, khi một chiếc máy bay có thể tự ý cất cánh từ một sân bay quốc tế giữa ban ngày”, Irving nhận định. “Nếu bản chất vấn đề là do lỗi con người, chúng ta cần xác định cả quy trình đã sai ở chỗ nào”.

 Theo VNE