Phòng chữa bệnh Sức khỏe

Làm sao kiểm soát được bệnh viêm gan B?

Có khoảng 25 – 45% người mắc bệnh viêm gan B mạn tính có nguy cơ tử vong sớm. Để đảm bảo đạt kết quả điều trị tốt, việc phát hiện sớm và theo dõi quá trình điều trị là rất quan trọng.

Viêm gan B là một bệnh khá phổ biến và đặt ra nhiều quan ngại cho người dân Việt Nam bởi đây là căn bệnh dễ lây và có nguy cơ gây biến chứng cao ở gan. Nếu cơ thể không thể loại bỏ vi-rút viêm gan B sau 6 tháng kể từ khi bị nhiễm thì bệnh sẽ chuyển sang mạn tính, và nếu không được điều trị có thể dẫn tới xơ gan (không hồi phục được) và làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư gan. Vấn đề hàng đầu đặt ra cho các bác sĩ điều trị và ngành Y tế là làm sao để quản lý căn bệnh này hiệu quả.

Khả năng lây nhiễm vi-rút viêm gan B cao hơn vi-rút HIV

Vi-rút viêm gan B có khả năng lây nhiễm cao gấp 50-100 lần so với vi-rút HIV. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm gan B có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan.

Gần 1/3 dân số thế giới từng bị nhiễm vi-rút viêm gan B (HBV) và khoảng 350 triệu người (5%) hiện đang bị viêm gan B mạn tính. Tại Việt Nam, việc lây nhiễm viêm gan B là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh gan mạn tính với tỷ lệ cao, đã được dự đoán tăng từ 6.4 triệu trường hợp vào năm 1990 lên 8.4 triệu trường hợp ở năm 2005; nếu không tiêm phòng, con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng đến hơn 10 triệu vào năm 2025.

Ước tính khoảng 20% dân số Việt Nam bị nhiễm vi-rút viêm gan B. Trong số đó, có từ 4 – 5 triệu người bị xơ gan hoặc ung thư gan, và từ 25 – 45% người mắc bệnh viêm gan B mạn tính có nguy cơ tử vong sớm. Để đảm bảo đạt kết quả điều trị tốt, việc phát hiện sớm và theo dõi quá trình điều trị là rất quan trọng.

Có thể cá nhân hóa điều trị và xử trí bệnh?

GS.BS. Phạm Hoàng Phiệt, Chủ tịch Hội Gan Mật TPHCM cho biết: “Xét nghiệm đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong việc kiểm soát bệnh viêm gan vi-rút B, từ chẩn đoán sớm đến xử trí và theo dõi trong quá trình điều trị. Thông thường, có khoảng 80% người bệnh sẽ không nhận ra bất kỳ triệu chứng đặc biệt nào cho đến khi gan bị tổn thương nghiêm trọng; vì vậy, đa số bệnh nhân thường được chẩn đoán và chữa trị vào giai đoạn muộn (nhiều người trong số họ thậm chí còn không biết bản thân mình đã bị nhiễm bệnh hay thường bỏ qua những biểu hiện ban đầu của bệnh); điều đó có thể khiến bệnh tiến triển nhanh hơn, khó điều trị và tỷ lệ tử vong cao. Hậu quả là, ảnh hưởng tới việc điều trị khó khăn, tốn kém và hiệu quả thấp! Đây là một trong những bất cập lớn tại Việt Nam, quốc gia có khoảng 15 đến 20% dân số bị nhiễm vi-rút viêm gan B”.

Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy đối với bệnh nhân viêm gan B mạn tính, nồng độ HBsAg tương quan gián tiếp với sự kiểm soát lây nhiễm – mức HBsAg càng thấp thì sự kiểm soát lây nhiễm càng cao.

Tuy nhiên, phương pháp chẩn đoán bệnh viêm gan B chủ yếu là thông qua xét nghiệm máu và việc đi xét nghiệm máu thường xuyên tại bệnh viện, nhất là đối với bệnh nhân ở xa, không phải là một việc dễ dàng.

Trong khi đó, xét nghiệm chính là chỉ số đo lường số lượng kháng nguyên bề mặt của vi-rút viêm gan B (HBsAg) giúp đánh giá mức độ kiểm soát miễn dịch của cơ thể đối với vi-rút, qua đó xác định liệu bệnh nhân có đáp ứng với điều trị hay không. Xét nghiệm này có ý nghĩa quan trọng trong công tác theo dõi điều trị của các bác sĩ, giúp họ đánh giá được tình trạng kiểm soát miễn dịch của bệnh nhân, nguy cơ tiến triển từ viêm gan B sang bệnh xơ gan và ung thư gan và từ đó thay đổi cách thức xử trí phù hợp đối với bệnh nhân.

Do đó, một xét nghiệm máu như xét nghiệm Roche Elecsys® HBsAg II định lượng, sẽ giúp định lượng kháng nguyên bề mặt vi-rút sẽ giúp cá nhân hóa việc xử trí và điều trị đối với các bệnh nhân viêm gan B mạn tính.

Ngoài việc theo dõi đáp ứng điều trị, định lượng HBsAg kết hợp với định lượng HBV DNA có thể được sử dụng để phân biệt những người mang vi-rút không hoạt động với những người bệnh đang tiến triển, qua đó xác định rõ hơn những ai cần điều trị và theo dõi thường xuyên với những người không cần điều trị. Hơn thế nữa, khi kết hợp mức nồng độ HBV DNA, nồng độ HBsAg có thể giúp các bác sĩ dự đoán tốt hơn khả năng tiến triển của bệnh viêm gan B mạn tính thành ung thư gan, và thực sự tạo ra cuộc cách mạng trong việc cá nhân hóa điều trị đối với viêm gan B mạn tính trong y học hiện đại.

Theo dantri.com.vn