Khoa học - Công nghệ

Công nghệ biến điều không thể của Einstein thành hiện thực

Giới khoa học quan sát trực tiếp hiện tượng thấu kính hấp dẫn siêu nhỏ, điều thiên tài Vật lý Albert Einstein từng cho rằng không thể.

Nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Kính thiên văn Vũ trụ do Kailash Sahu dẫn đầu, vừa tuyên bố đã trực tiếp quan sát hiện tượng thấu kính hấp dẫn siêu nhỏ, điều thiên tài vật lý Albert Einstein từng cho rằng không thể. Kết quả nghiên cứu chi tiết sẽ được đăng trên tạp chí Science, Fox News ngày 8/6 đưa tin.

Hiện tượng thấu kính hấp dẫn siêu nhỏ (gravitational microlensing) được Einstein dự đoán cách đây một thế kỷ. Nhà khoa học này cho rằng ánh sáng khi đi qua các ngôi sao sẽ bị bẻ cong dưới tác động của lực hấp dẫn.

Tuy nhiên, Einstein chưa từng quan sát được hay có bằng chứng về hiện tượng này. Trên tạp chí Science năm 1936, Einstein cho rằng “không có hy vọng quan sát trực tiếp hiện tượng” vì khoảng cách quá lớn giữa các ngôi sao.

Bằng kính thiên văn vũ trụ Hubble, nhóm của Sahu đã thực hiện những quan sát hoàn toàn mới, xác nhận dự đoán Einstein đưa ra gần 100 năm trước về sự tồn tại của thấu kính hấp dẫn siêu nhỏ.

“Khi một ngôi sao ở gần hơn đi qua khoảng giữa Trái Đất và một ngôi sao ở xa, hiện tượng thấu kính hấp dẫn siêu nhỏ tạo ra một vòng tròn ánh sáng hoàn hảo, còn gọi là ‘vòng tròn Einstein'”, Terry Oswalt, nhà thiên văn học ở Đại học Hàng không Embry-Riddle, chủ tịch Khoa Khoa học Vật lý, giải thích.

Theo Oswalt, vòng tròn ánh sáng này quá nhỏ để có thể đo đạc, nhưng sự bất đối xứng của nó khiến hình ảnh ngôi sao ở xa bị lệch so với vị trí thực sự. “Hiện tượng trong dự đoán của Einstein này được gọi là ‘thấu kính trắc tinh’ và nhóm của Sahu đã lần đầu tiên quan sát được hiện tượng này ở một ngôi sao ngoài Mặt Trời”, ông cho biết.

“Einstein sẽ rất tự hào. Một trong những dự đoán quan trọng của ông ấy đã vượt qua một cuộc quan sát kiểm nghiệm rất khắt khe”, Oswalt nói.

Theo VNExpress